Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020, Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (mã PLC) đạt 1.381 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 16% so với cùng kỳ. Mảng nhựa đường đóng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu của PLC kỳ này với 46% và đạt hơn 633,6 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Doanh thu hóa chất giảm mạnh 49% xuống còn 371 tỷ đồng. Doanh thu dầu mỡ nhờn cũng giảm 15% xuống hơn 326 tỷ đồng.
Dù vậy, tốc độ giảm giá vốn cao hơn doanh thu với 18,7% đã khiến lợi nhuận gôp công ty tăng 4% và ở mức 202 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 11,8% lên 14,6%.
Chi phí tài chính tăng mạnh 47% lên mức 45,6 tỷ đồng do phải ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 23,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ là 2,5 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm nhẹ 0,4% trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 15,5%. Bên cạnh đó, kỳ này, PLC chỉ có 1,8 tỷ đồng lợi nhuận khác trong khi cùng kỳ khoản này ở mức 22 tỷ đồng. Các yếu tố này đã khiến PLC báo lãi trước thuế giảm 48% xuống 31,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ở mức 23,8 tỷ đồng, giảm 50,5% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh quý I/2020 của Hóa dầu Petrolimex |
Tại thời điểm 31/3/2020, tổng tài sản công ty ở mức 4.911 tỷ đồng, tăng 10% so với số đầu năm. Phần lớn tài sản của PLC tập trung ở các tài sản ngắn hạn bao gồm tiền, tồn kho và các khoản phải thu. Giá trị nhà xưởng, máy móc đã khấu hao gần một nửa, hiện có giá trị gần 800 tỷ đồng. So với cuối năm 2019, PLC tăng nắm giữ tiền với tổng giá trị tiền mặt và tiền gửi ngân hàng xấp xỉ 1.030 tỷ đồng, gấp rưỡi cùng kỳ. Trong đó, lượng tiền mặt có sẵn là 329,6 tỷ đồng. Tồn kho cũng tăng 10,25% lên mức hơn 1.091 tỷ đồng.
Nguồn vốn tài trợ tăng lên trong quý này chủ yếu đến từ khoản công nợ với nhà cung cấp, nợ vay ngân hàng. Tổng giá trị các khoản nợ vay ngân hàng ngắn và dài hạn đến 31/3 đạt 1.810 tỷ đồng. Giá trị khoản vay bằng ngoại tệ đến cuối kỳ chỉ khoảng 320 tỷ đồng nhưng lại là nguyên nhân khiến PLC phải ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá, kéo lợi nhuận của doanh nghiệp này giảm so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh của PLC quý này đi ngược lại kỳ vọng của các nhà đầu tư. Trong tháng 4 vừa qua, giá cổ phiếu PLC đã tăng đến 54,5% từ mức 11.000 đồng/cp lên thành 17.000 đồng/cp.
Diễn biến giá cổ phiếu PLC từ đầu năm. Nguồn: VNDirect. |
Việc cổ phiếu PLC bứt phá mạnh thời gian qua được cho là đến từ những kỳ vọng đơn vị này sẽ được hưởng lợi từ động thái đẩy mạnh đầu tư công của Chính Phủ. Theo Chứng khoán VNDirect, kết quả kinh doanh của ngành nhựa đường có thể hưởng lợi lớn từ việc Chính phủ đẩy nhanh giải ngân tại các dự án cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, giá dầu thấp trong năm 2020 sẽ đem lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn cho các doanh nghiệp trong ngành.