Người dân Quảng Ninh đi khám bệnh tại Bệnh viện Bãi Cháy dùng căn cước công dân gắn chíp thay cho thẻ bảo hiểm y tế |
Nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tích cực chuyển đổi số toàn diện. Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng của cả nước; trở thành hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh...
Ngày 5/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ra Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhưng trước đó, từ năm 2012, những ý tưởng đầu tiên về chuyển đổi số đã được thực hiện trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, du lịch...
Ông Trịnh Văn Mạnh, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy và Bệnh viện Sản Nhi là 3 bệnh viện được tỉnh đầu tư xây dựng bệnh viện thông minh, triển khai từ năm 2017 và hoàn thành vào năm 2020. Đặc biệt, 3 bệnh viện này của Quảng Ninh nằm trong số 10 bệnh viện trên cả nước được Bộ Y tế công nhận đáp ứng các tiêu chí bệnh án điện tử. Vì thế, Quảng Ninh trở thành tỉnh có số lượng bệnh viện nhiều nhất được công nhận và đáp ứng đến 6/7 tiêu chí của bệnh viện thông minh”.
-Tính đến nay, Quảng Ninh đã khởi tạo, cập nhật dữ liệu ban đầu cho 1.384.760 người dân trên phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử tỉnh Quảng Ninh; cập nhật 293.585 mã định danh trên tổng số 298.237 cán bộ ngành giáo dục, giáo viên, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên (đạt 98,44%).
-Trong năm 2022, Cổng dịch vụ công tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận và giải quyết trực tuyến 399.640/542.473 trường hợp, đạt tỷ lệ 73,67%. Tỉnh cũng đã cung cấp 1.240/1.591 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia (đạt tỷ lệ 78%).
Tuy nhiên, để bệnh án điện tử của các bệnh viện mang lại hiệu quả cao hơn, thì cần phải được sử dụng liên thông. “Sở Y tế đã kiến nghị Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh thành lập trung tâm dữ liệu của tỉnh, tích hợp dữ liệu của các ngành, trong đó có ngành y”, ông Mạnh cho biết.
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã cấp căn cước công dân gắn chíp cho trên 95% người dân trên địa bàn. Toàn tỉnh đã thu nhận hơn 330.000 tài khoản định danh điện tử mức độ 2 để tích hợp các giấy tờ cá nhân của công dân lên ứng dụng VNEID.
Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành trên 90% tiến độ làm sạch dữ liệu dân cư. Một trong những tiện ích rõ nhất từ việc số hóa dữ liệu dân cư chính là việc người dân đi khám bệnh tại Bệnh viện Bãi Cháy chỉ cần mang căn cước công dân gắn chíp thay cho thẻ bảo hiểm y tế.
Với ngành giáo dục, Quảng Ninh đã cập nhật được trên 98% mã định danh của cán bộ, giáo viên, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên. Trong đó, hầu hết học sinh lớp 9, lớp 12 tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10, tốt nghiệp trung học phổ thông đã được cập nhật số định danh trên cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục.
Hiện nay, tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng thiết bị di động thông minh tại Quảng Ninh đạt 88%; tỷ lệ vùng phủ sóng thông tin di động đạt 98% các khu vực dân cư. Theo đó, người dân tỉnh Quảng Ninh hoàn toàn dễ dàng thực hiện các thao tác, sử dụng các tiện ích thông minh như thanh toán không dùng tiền mặt, đi chợ online, tra cứu hay nộp hồ sơ điện tử...
“Tôi đăng ký khám trực tuyến rất tiện và dễ dàng. Chỉ cần đặt lịch qua app Zalo của bệnh viện, sau đó, sẽ có tin nhắn báo về điện thoại cụ thể số thứ tự, giờ khám, phòng/khoa khám, tiết kiệm được rất nhiều thời gian chờ đợi”, anh Nguyễn Đăng Thanh (trú tại tổ 8 khu 1, phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long) chia sẻ.
Giờ đây, người dân Quảng Ninh đã quen và sử dụng tốt các dịch vụ công trực tuyến. Bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Từ đầu tháng 6/2022, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh đã triển khai số hóa, bóc tách dữ liệu đối với 20 thủ tục hành chính của 5 sở, ngành. Thời gian tới, khi kho dữ liệu số của tỉnh thu thập, tổng hợp được nhiều dữ liệu, việc kết nối, chia sẻ, liên thông, truy xuất, khai thác dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước sẽ được thực hiện nhanh chóng, chính xác. Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dữ liệu của mình đã được số hóa thông qua tài khoản cá nhân trên trang dịch vụ công trực tuyến của tỉnh”.