Các dự án chung cư có mức giá dưới 15 triệu đồng/m2 như khu HH thuộc Khu đô thị Linh Đàm hiện gần như không còn. Ảnh: Dũng Minh |
Cách đây 2 năm, trước khi thị trường bước vào giai đoạn bùng nổ mạnh mẽ với phân khúc trung và cao cấp, hầu như các sản phẩm được chào bán chủ yếu là phân khúc nhà ở giá rẻ, với mức giá dưới 15 triệu đồng/m2, thậm chí có nhiều dự án chỉ có giá trên dưới 10 triệu đồng/m2. Chẳng hạn, Dự án The Golden An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) tung ra thị trường căn hộ có giá chỉ từ 11,8 triệu đồng/m2, tương đương từ 700 triệu đồng/căn hộ; các dự án VP, HH tại Linh Đàm, hay Kim Văn - Kim Lũ của Tập đoàn Mường Thanh cũng chỉ có giá trên 10 triệu đồng/m2…
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, thị trường rất hiếm có dự án có giá dưới 15 triệu đồng/m2, thậm chí là vắng bóng trên thị trường. Các dự án nhà ở được coi là giá rẻ nhất vào thời điểm hiện tại có giá khoảng 16,5 triệu đồng/m2 và chủ yếu là các căn cỡ nhỏ, có diện tích khoảng 45 m2, còn các căn có diện tích 55 - 80 m2, mức giá dao động từ 17 - 18 triệu đồng/m2.
Có thể kể tên một số dự án được giới thiệu là giá rẻ vào thời điểm hiện tại vừa được chủ đầu tư giới thiệu ra thị trường Hà Nội, như Ecohome Phúc Lợi của Capital House, Aqua Sky Residences thuộc Tổ hợp Ecopark của Vihajico, Gemek Premium của Geleximco, Osaka Complex của Nam Minh Hoàng, hay Tứ Hiệp Plaza của Vinh Hạnh…
Như vậy có thể thấy, mặt bằng giá trung bình của nhà ở giá rẻ trong 2 năm qua đã tăng từ 2 - 3 triệu đồng/m2, tương đương với tỷ lệ tăng từ 15 - 20%. Tuy nhiên, con số này còn chưa tính tới mức giá chênh trên thị trường thứ cấp, cũng như từ đơn vị phân phối.
Theo khảo sát của Đầu tư Bất động sản, tính từ thời điểm mà gói 30.000 tỷ đồng dừng ký mới (từ cuối tháng 3/2016), giá nhiều căn hộ chung cư đã tăng khá mạnh sau khi được… cơ cấu lại.
Trong một lễ công bố dự án mới ra mắt thị trường cách đây chừng 10 ngày, đại diện chủ đầu tư một dự án mới tại Tứ Kỳ, Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc, nhằm hỗ trợ người mua nhà, nhiều chủ đầu tư đã hợp tác với nhà băng để xây dựng các chương trình hỗ trợ tín dụng mới, nhờ đó người mua nhà vẫn tiếp cận để sở hữu nhà ở có mức giá phải chăng như trước. Tuy nhiên, tìm hiểu qua các đơn vị phân phối và từ chủ đầu tư, Đầu tư Bất động sản được biết, bằng việc vẽ thêm một vài tiện ích, mức tiền chênh mà khách hàng phải trả đã lên tới 150 - 200 triệu đồng/căn. Như vậy, nếu tính giá trị thật, thì giá nhà cũng đã tăng lên con một con số đáng kể so với cách đây chỉ 1 năm.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, sự nghịch lý "chỗ thừa ngày càng thừa, chỗ thiếu ngày càng thiếu" đang diễn ra trên thị trường địa ốc khi các chủ đầu tư có khuynh hướng tập trung vào các dự án cao cấp, thiếu vắng các dự án giá trung bình, giá hợp lý, phù hợp với đa số người dân. Điều này khiến cho nguồn cung nhà ở giá rẻ luôn rơi vào tình trạng khan hiếm, bởi 70% nhu cầu thực hiện nay là thuộc phân khúc này và do đó, người mua nhà đang phải cạnh tranh nhau tại các dự án giá rẻ.
Đồng quan điểm, ông Đinh Thế Quỳnh, Phó giám đốc điều hành Sàn giao dịch Bất động sản Hải Phát cho rằng, xu hướng hiện tại phải đẩy mạnh hơn các phân khúc phục vụ số đông. Xu hướng tăng giá sẽ đẩy dần các dự án thành phân khúc trung và cao cấp, trong khi tốc độ cải thiện mặt bằng thu nhập lại chưa thực sự cải thiện.
"Điều này là vấn đề mà nhất thiết các chủ đầu tư cần tính tới, nghiên cứu và xây dựng các gói ưu đãi, sản phẩm với giá bán sao cho phù hợp với thị hiếu của người mua nhà vào thời điểm tại. Như vậy, doanh nghiệp mới phát triển bền vững trên thị trường được", ông Quỳnh cho biết thêm.