Ngân hàng - Bảo hiểm
Người trẻ khó vay vốn ngân hàng để mua nhà
Gia Huy - 12/07/2017 07:47
Nhu cầu lớn, nhưng khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng, khiến việc mua nhà của nhiều khách hàng trẻ gặp khó khăn.

Nhọc nhằn vay vốn

Sau 10 năm bôn ba tại TP.HCM, anh Trần Việt Cường (30 tuổi), kỹ sư xây dựng, cùng vợ là chị Phạm Kim Huế (27 tuổi), đang làm kế toán tại Bình Thạnh, quyết định dồn tiền tích lũy để mua nhà.

Có đi tìm nhà mới thấy gian nan thế nào, anh Cường tâm sự: “Với khoản tiết kiệm hơn 400 triệu đồng, ròng rã mấy tháng trời, tôi tìm hiểu hết dự án này đến dự án khác, nhưng không tìm được căn hộ nào hợp túi tiền. Dự án tốt thì giá quá cao, không đủ sức, dự án vừa tiền thì hạ tầng kém, lại ở rất xa”.

.

Để mua được nhà, với những người trẻ chưa đủ kinh tế, có một giải pháp là đi vay vốn ngân hàng, nhưng điều này không dễ. Chị Lê Thị Huyền, giáo viên một trường cấp 3 tư thục tại quận Bình Tân cho biết, hai vợ chồng chị gom góp được 500 triệu đồng, sau khi tìm hiểu các dự án, anh chị muốn mua một căn hộ tại quận Tân Phú với giá 1,5 tỷ đồng.

Tổng mức lương của cả 2 vợ chồng chị Huyền là 14 triệu đồng/tháng. Khi đem hồ sơ vay vốn nộp cho ngân hàng thì bị loại ngay, bởi ngân hàng đánh giá, với mức lương đó, trừ chi phí sinh hoạt hàng tháng của gia đình (vợ chồng chị đang nuôi 2 con nhỏ), thì khoản thu nhập trên không đủ để thanh toán lãi và gốc cho ngân hàng.

Giải bài toán tài chính cho người trẻ mua nhà hiện nay là nhu cầu cấp thiết, bởi đây là đối tượng chính của thị trường.

Theo thống kê, hiện Việt Nam đang có cơ cấu dân số “vàng”, với độ tuổi từ 25 - 45 chiếm tỷ lệ 32,23% cơ cấu dân số. Mỗi năm, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM có khoảng 50.000 - 60.000 người trong độ tuổi này lập gia đình. Nhu cầu về nhà ở từ bộ phận này rất lớn, rất cần có giải pháp hỗ trợ tài chính phù hợp.

Xây dựng các gói giải pháp tài chính thiết thực

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thực tế, ngay cả với những căn hộ giá rẻ thì người mua nhà cũng phải có thu nhập khá trở lên mới có thể mua được. Nhóm đối tượng này không nhiều, trong khi nhóm có nhu cầu ở thực (đa phần có thu nhập trung bình, thậm chí dưới trung bình) lại chiếm tỷ lệ khá lớn. Đây là thực tế cần phải có hướng xử lý.

“Một số chủ đầu tư thời gian qua đã chuyển hướng sang làm những căn hộ giá rẻ, để hướng tới nhóm khách hàng chiếm tới 80% nhu cầu ở thực hiện nay. Nhưng làm vậy cũng dẫn đến nhà có diện tích nhỏ, hạ tầng và tiện ích bị cắt xén, sau này những dự án rẻ tiền có nguy cơ biến thành những khu ổ chuột mới. Bởi vậy, giải pháp lâu dài cần hướng tới là hỗ trợ về mặt tài chính để người mua nhà tiếp cận được dự án chất lượng tốt”, ông Đực cho hay.

Theo ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Himlam Land, giải bài toán tài chính cho người trẻ mua nhà hiện nay là nhu cầu cấp thiết, bởi đây là đối tượng chính của thị trường. Hiện nay, nhiều chủ đầu tư, trong đó có Himlam, đang tìm cách phối hợp với các ngân hàng để xây dựng các gói giải pháp tài chính tốt hơn, hỗ trợ những người trẻ khi mua nhà.

“Chẳng hạn như Dự án Himlam Phú An, chúng tôi đã xây dựng gói chính sách thanh toán chuẩn, chủ đầu tư sẽ giảm trực tiếp 5% tổng giá trị căn hộ, giá căn hộ chỉ còn trên 1,8 tỷ đồng/căn, khách hàng có thể thanh toán 17% tổng giá trị hợp đồng và được ký hợp đồng mua bán. Khi thanh toán đủ 20% giá trị căn hộ thì sẽ được ngân hàng giải ngân hàng tháng theo tiến độ cho đến khi khách hàng nhận được nhà”, ông Phúc cho biết thêm.

Cũng theo ông Phúc, việc dự án xây lên rồi mới bán như cách làm của Himlam Land khiến chi phí vốn bị đội lên rất lớn. Nhưng bù lại, cách làm này đóng góp rất nhiều vào việc xây dựng niềm tin trên thị trường bất động sản và khách hàng chính là những người có lợi nhất. Mua sản phẩm đã thành hình, tất cả mọi chi tiết liên quan đến quy hoạch, chất lượng, thiết kế… đều được minh bạch. Người mua sẽ được “nhìn tận mắt, sờ tận tay” sản phẩm trước khi đưa ra quyết định.  Bởi thế, các cơ quan hữu trách cũng cần nghiên cứu chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư để có thể đủ lực làm ra sản phẩm tốt.

“Một dự án tốt, ngoài việc phụ thuộc vào cái tâm của chủ đầu tư, còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn lực. Chủ đầu tư tuy có tâm, hết lòng vì dự án của mình, nhưng nếu đuối sức thì cũng không thể hoàn thành tốt dự án. Bởi thế, rất cần nhà băng cùng góp sức để hoàn thành sản phẩm với giá bán hợp lý nhất đến tay người tiêu dùng”, ông Phúc chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác