Viễn thông - Công nghệ
Người Việt tìm kiếm về đầu tư chứng khoán và tiền điện tử tăng hơn 100%
Hữu Tuấn - 17/02/2022 20:18
Ngày 17/2, Google công bố báo cáo ‘‘Tìm kiếm cho Ngày mai - Search for Tomorrow’’ các xu hướng tìm kiếm của người Việt.

Báo cáo là một bức tranh tổng quan về các  xu hướng mới của người tiêu dùng kỹ thuật số tại Việt Nam đã được hình thành như thế nào và sẽ dẫn dắt thị trường tiêu dùng kỹ thuật số trong năm 2022 ra sao.

Theo đó, năm 2021 tổng số lượng tìm kiếm trên Google của người Việt tăng 37% so với trước đại dịch.

Trong đại dịch, người Việt quan tâm học cách đầu tư nhiều hơn, thể hiện qua số lượt tìm kiếm cụm từ “chứng khoán” tăng trên 106%, trong đó người dân ở các tỉnh nông thôn thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến việc đầu tư. Song song đó là số lượt tìm kiếm về "tiền điện tử" tiếp tục ở mức cao, tăng 115%, hay tìm kiếm giải pháp tài chính "vay tiền online" tăng 45%.

 Người Việt tìm kiếm cụm từ “chứng khoán” tăng trên 106%, số lượt tìm kiếm về "tiền điện tử" tiếp tục ở mức cao, tăng 115%.

Sức khỏe tinh thần được dự đoán sẽ là tâm điểm chú ý của mọi người vào năm 2022. Mọi người sẽ dần bắt đầu chấp nhận cảm xúc của mình và dành nhiều thời gian để cảm nhận chúng. Từ những thay đổi nhỏ hằng ngày đến những quyết định quan trọng hơn trong cuộc sống, những nội dung tìm kiếm cho thấy rằng mọi người đang nhìn nhận cuộc sống và đánh giá xem những lựa chọn của mình có phù hợp với những gì thực sự quan trọng hay không.

Người Việt đang tổ chức lại ngôi nhà của họ để nhân đôi mục đích sử dụng, vừa là nhà, vừa là trường học hoặc không gian làm việc. Số lượt tìm kiếm cụm từ 'decor phòng' (trang trí phòng) tăng 150% trong khi các từ khóa cho các sản phẩm chăm sóc nhà cửa như nến thơm cũng tăng 100%.

Googe cho hay, tại Việt Nam, 97% người tiêu dùng mới vẫn đang sử dụng các dịch vụ trực tuyến và 99% trong số họ có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai. Những người tiêu dùng đã quen với thế giới số tiếp tục chọn sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Những lợi ích như tiết kiệm thời gian và chi phí, sản phẩm và dịch vụ đa dạng, dịch vụ giao hàng tận nơi là những động lực thúc đẩy người mua sắm chọn trải nghiệm số hóa. Tổng giá trị hàng hóa (Gross Merchandise Volume - GMV) của Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020, trong đó phần lớn là nhờ vào mức tăng trưởng 53% của ngành thương mại điện tử.

Người dùng ngày nay đang khai thác nhiều lợi ích của công nghệ và ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày từ việc tìm cách mở tài khoản ngân hàng hay mở thẻ online (lượng tìm kiếm tăng 58%), tìm thông tin,  xem trải nghiệm và đánh giá sản phẩm trước khi mua (lượng tìm kiếm tăng 1.250%) và kế đến là thanh toán không tiếp xúc với ví điện tử (lượng tìm kiếm tăng 100%)

Theo xu hướng thay đổi hành vi đó của người tiêu dùng, các doanh nghiệp hiện đang điều chỉnh chiến lược kỹ thuật số của mình để đáp ứng nhu cầu của người dùng mới chuyển sang sử dụng các dịch vụ trực tuyến. 81% nhà bán hàng kỹ thuật số ở Việt Nam có khả năng sẽ tăng cường việc sử dụng các hình thức thanh toán điện tử trong 1 đến 2 năm tới. 82% trong số họ dự đoán rằng hơn một nửa doanh thu trong 5 năm tới sẽ đến từ các nguồn bán hàng trực tuyến.

Tin liên quan
Tin khác