Trí thức di động gắn với công nghệ số
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) về thị trường lao động thế hệ mới và tương lai việc làm, lực lượng lao động đang trở nên “di động” hơn, thể hiện qua 3 làn sóng chuyển đổi. Làn sóng thứ nhất, các tổ chức trong nền kinh tế tự do, hay kinh tế tạm thời (GIG economy) tìm kiếm lao động bằng việc thuê những người lao động độc lập trong một khoảng thời gian nhất định (ngắn hạn). Làn sóng thứ hai, trong nền kinh tế nhân tài (talent economy), tập trung vào chuyên môn từ các lao động có kỹ năng cao, gắn liền với dịch vụ gia công. Còn làn sóng thứ ba nhấn mạnh hệ thống tiêu dùng và sản xuất bền vững dựa trên vốn trí tuệ lao động của nền kinh tế tri thức (knowledge economy).
Ngày nay, trí thức di động ngày càng trở nên phổ biến với sự hội nhập trong nền kinh tế tự do toàn cầu. Những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ số đã dẫn đến sự ra đời của các nền tảng lao động số, tạo ra các hình thức làm việc linh hoạt mới. Các nền tảng công nghệ trực tuyến cho phép người lao động và doanh nghiệp kết nối với nhau dễ dàng và nhanh chóng, giúp giải quyết nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu việc làm của người lao động. Về mặt quản lý, các tổ chức điều hành sẽ quản lý công việc và người lao động bằng thuật toán dựa trên việc phân tích và thống kê dữ liệu báo cáo.
Công nghệ số thúc đẩy sự phát triển của trí thức di động. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới 2023 về tương lai việc làm trong 5 năm tới cũng dự báo xu hướng “di động” của người lao động trong nền kinh tế tri thức.
Báo cáo đã khảo sát quan điểm của 803 công ty với hơn 11,3 triệu lao động, 27 cụm ngành tại 45 nền kinh tế trên thế giới, các ứng dụng công nghệ di động được xác định trở thành công cụ nâng cao khả năng tiếp cận kiến thức, thúc đẩy hợp tác và tạo điều kiện chuyển giao tri thức hiệu quả. Đồng thời, trao quyền cho người lao động trí thức thoát khỏi những ràng buộc của môi trường văn phòng truyền thống, tận dụng tối đa thời gian và không gian để thực hiện công việc, thay đổi cách các tổ chức chia sẻ thông tin, học hỏi lẫn nhau và đổi mới.
Công dân toàn cầu trong thời đại trí thức di động
Xu hướng làm việc từ xa phát triển mạnh trong giai đoạn Covid-19 đã tạo tiền đề cho xu hướng trí thức di động phát triển. Đơn cử, tại Berlin (Đức) và nhiều thành phố trên thế giới, đội ngũ trí thức di động là nguồn nhân lực không thể thiếu đối với các doanh nghiệp hoạt động kỹ thuật số như Uber, Helpling hay Deliveroo.
Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ ảo hóa đã “phá vỡ màn hình” giao tiếp trên các thiết bị truyền thống, tạo nền tảng để công dân có thể tương tác xuyên biên giới thông qua môi trường thực tế ảo. Theo Ronald van Loon, nhà sáng lập, CEO Intelligent World cho biết, ảo hóa đóng vai trò quan trọng trong kỷ nguyên làm việc từ xa. Công nghệ ảo hóa cho phép công dân toàn cầu truy cập vào máy tính để bàn ảo (DaaS) từ một thiết bị được kết nối và chuyển kết quả công việc đã hoàn thành lên đám mây.
Một trong những hoạt động tiêu biểu vì lợi ích chung cộng đồng của trí thức di động là du lịch tình nguyện. Hoạt động tình nguyện là cách tốt nhất để khám phá sự nhân văn của một quốc gia đối với mục tiêu phát triển bền vững trên thế giới.
Không chỉ mang lại những kỹ năng, trải nghiệm mới về sự hiểu biết toàn cầu, du lịch tình nguyện còn cho phép những công dân toàn cầu thực hiện trách nhiệm của mình với người khác ở những vùng đất xa xôi một cách có đạo đức, ít bị ràng buộc bởi lợi ích quốc gia hơn.
Thông qua các dự án cộng đồng, những tình nguyện viên sẽ góp phần bảo vệ môi trường bằng các công việc phục vụ cụ thể như bảo tồn rùa biển, bảo vệ loài báo đốm sống trên cây cao trong rừng mưa nhiệt đới đang có nguy cơ tuyệt chủng… Đây cũng là cơ hội để công dân toàn cầu tìm hiểu và trao đổi văn hóa giữa các quốc gia.