Trong phiên xét xử chiều ngày 26/12, vào phần xét hỏi, bị cáo Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nói mình bị oan.
Bị cáo Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM |
Cụ thể, bị cáo Kiệt cho biết, khi nhận được công văn chỉ đạo của UBND Thành phố, kèm theo các văn bản của Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì bị cáo nhận thức đây là để phục vụ an ninh. Tuy nhiên, cấp dưới cho biết đây là đất công, nên theo quy định của UBND Thành phố, để giảm bớt thủ tục hành chính thì các đơn vị trưởng phải tổ chức họp liên ngành.
Theo đó, trong cuộc họp liên ngành do Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo chỉ đạo của UBND Thành phố thì có 10 thành viên ban chỉ đạo 09 tham dự.
"UBND Thành phố có văn bản chỉ đạo, khi các thành viên ban chỉ đạo 09 mà ủy quyền đi họp thì người đi họp phải phát biểu và các thủ trưởng, các thành viên phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với phát biểu đó", bị cáo Kiệt nói và cho biết thêm, khi có bút phê của lãnh đạo UBND Thành phố thì hiểu ngay là UBND Thành phố đã giao cho một đầu mối, đầu mối đó phải làm việc đúng quy trình pháp luật nên chúng tôi mới họp liên ngành. Bị cáo chỉ đạo cuộc họp để lấy ý kiến các thành viên và các Sở có liên quan.
Phòng quản lý sử dụng đất, cụ thể là bà Nguyễn Lan Châu và ông Trương Văn Út, là người tham mưu, đề xuất cho Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 được thuê nhà, đất tại địa chỉ 15 Thi Sách.
Theo đó, công văn 48 với nội dung đồng ý cho Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 được ký hợp đồng thuê đất số 15 Thi Sách là ý kiến chính thức của Sở Tài nguyên và Môi trường để trình UBND Thành phố, bị cáo ký là theo đúng thẩm quyền và chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, đây là quy định của UBND Thành phố chứ thực sự bị cáo phản đối việc ký này. Cũng theo quy định thì bị cáo Út không được ký nháy vào văn bản, mà phải bắt buộc phải là lãnh đạo Ủy ban.
Quy định của UBND Thành phố trước đây không quy định Giám đốc Sở phê duyệt, nhưng sau đó một thời gian thì bắt buộc Giám đốc Sở phải ký vào trong đó. Bị cáo nghĩ rằng đây là một quy định không phù hợp mà bị cáo đã bàn việc này rất nhiều với Văn phòng UBND Thành phố, nhưng bị cáo là cơ quan cấp dưới nên buộc phải chấp hành, buộc phải ký.
Việc cho thuê tại địa chỉ 15 Thi Sách để phục vụ thương mại, dịch vụ là sai, không đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi bị cáo nhận được văn bản của UBND Thành phố và các văn bản kèm theo của Bộ Công an và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thì bị cáo hiểu ngay đây là sự việc không thuộc thẩm quyền của mình, bị cáo phải trình UBND Thành phố quyết định.
Bị cáo Kiệt cho rằng, các hành vi mà cáo trạng truy tố thì bị cáo thấy có những hành vi mình không làm, bị cáo tham mưu xong về hưu sớm nên không biết. Khoảng 3 năm sau, khi điều tra thì bị cáo mới biết có những việc xảy ra như vậy.
Bị cáo cảm thấy có oan sai, bởi bị cáo không phải là đơn vị quản lý tài sản công, không thể xử lý giá trị tài sản được, mà đây là nhiệm vụ của Công ty quản lý kinh doanh nhà, và Sở Tài chính tham mưu UBND Thành phố.
“Trong suốt quá trình tham mưu cho UBND Thành phố, bị cáo chỉ biết đây là đất để phục vụ an ninh. Do đó, bị cáo không áp dụng Quyết định 09, mà bắt buộc phải hỏi Sở Tài chính rồi trình UBND Thành phố. Nếu biết từ đầu thì bị cáo sẽ không tham mưu, nhưng do bị cáo không biết nên làm theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố”, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nói.