Lực lượng chức năng kiểm tra những người đi xe máy trái luật trên đường cao tốc Long An. (Ảnh: Bùi Như Trường Giang/TTXVN) |
Trước đó, vào sáng 29/2, một xe ôtô 4 chỗ đi ngược chiều trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã đâm trực diện vào ôtô 7 chỗ khiến người lái xe ôtô 4 chỗ tử vong tại chỗ.
Các vụ tai nạn trên đã gióng lên hồi chuông về đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.
- Thời gian qua, trên các tuyến cao tốc thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, ông có ý kiến gì trước tình trạng này?
Ông Khuất Việt Hùng: Các tuyến cao tốc ở Việt Nam tương đối mới. Ở phía Nam, tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương đã khai thác được vài năm, việc quản lý của chính quyền và tham gia giao thông của người dân đã có trình độ nhất định.
Ở phía Bắc, các cao tốc mới được đưa vào khai thác trong thời gian gần đây và đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Nguyên nhân đầu tiên cho thấy người tham gia giao thông trên đường cao tốc không chấp hành pháp luật. Việc đi xe máy trên đường cao tốc hoàn toàn bị cấm nhưng người dân vẫn đi.
Việc giữ cự ly giữa các xe trên đường cao tốc rất quan trọng. Những người đã đi quen, có thể giữ được cự ly theo quy định, nhưng vẫn còn một bộ phận chưa quen với điều khiển phương tiện trên đường cao tốc, không giữ cự ly dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn trên đường cao tốc rất cao.
Chỉ một xe chết máy đột ngột, hay dừng đón trả khách có thể dẫn đến tai nạn như trường hợp vụ tai nạn giao thông khiến 3 người Hàn Quốc tử vong trên đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên (ngày 8/8/2015).
Vụ việc này là do không giữ khoảng cách về ban đêm, khi vượt lên lại vượt bên phải.
Trên đường cao tốc của Việt Nam còn phổ biến hành vi nữa rất nguy hiểm, đó là trường hợp khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, làn ngoài cùng bên trái luôn dành để cho các xe vượt, khi vượt xong phải trở ngay về làn bên phải nhưng có một số phương tiện vượt xong đi luôn trên làn đường đó, cho dù là xe container, xe tải hay xe khách.
Những xe này thường đi chậm hơn các phương tiện khác nhưng vẫn không nhường làn đó cho xe khác đi tốc độ cao hơn, dẫn đến tình trạng những xe tốc độ cao hơn sau một thời gian xin đường để vượt không được đành vượt sang bên phải. Khi vượt sang bên phải, nguy cơ va chạm, tai nạn giao thông là rất lớn.
Nguyên nhân thứ hai là người điều khiển phương tiện chưa có thói quen tham gia giao thông trên đường cao tốc dẫn đến tai nạn giao thông.
Hiện nay, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng chưa tốt.
Sáng sớm, trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai có hiện tượng người dân tập thể dục trên đường cao tốc. Đây là hành vi rất nguy hiểm vì trời rất tối, sương mù, không nhìn thấy được.
Một vấn đề nữa là trách nhiệm của cơ quan quản lý, khai thác đường cao tốc.
Cơ quan này phải thường xuyên đi tuần đường, phát hiện và thông tin kịp thời đến lực lượng chức năng, chính quyền địa phương các vị trí xe ôtô hay dừng đỗ đón trả khách, người dân hay vượt hàng rào, đề nghị địa phương phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nghiêm. Thậm chí, có quyền từ chối phục vụ khi những xe đó thường xuyên đón trả khách trên đường cao tốc.
Chúng ta cũng cần xác định trách nhiệm của lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đoạn đường, tuyến đường đó. Để xảy ra tình trạng xe đón trả khách trên đường cao tốc, cần xử lý trách nhiệm của người trực tiếp phụ trách ca tuần tra kiểm soát đó. Cần phải giải quyết bài toán về vấn đề hệ thống.
Một vấn đề nữa tôi cũng rất muốn nhấn mạnh mà hiện nay đang đưa vào để xử lý vi phạm, rất mong các cơ quan truyền thông tuyên truyền đến người dân, đó là tất cả những hành khách đi trên xe ôtô khách, đặc biệt là những xe giường nằm đều phải thắt dây an toàn.
Không ai mong muốn tai nạn xảy ra nhưng đôi khi chỉ là xe hãm phanh đột ngột, không thắt dây an toàn hoàn toàn có thể văng khỏi xe dẫn đến chấn thương, thậm chí chấn thương nặng dẫn đến tử vong.
Nằm là một tư thế rất nguy hiểm, dễ bị ngã không chủ động, nguy hiểm đến tính mạng. Mọi người khi tham gia giao thông nên cố gắng nhận thức tự mình phòng tránh nguy cơ tai nạn giao thông.
- Theo ông những chỗ mở hàng rào có nên tăng cường camera và sau đó xử phạt chính những người dân đón xe, xuống xe trên đường cao tốc?
Ông Khuất Việt Hùng: Hiện nay đã có quy định về vấn đề này. Đương nhiên hệ thống camera giám sát giao thông ở trên đường đều đã bố trí và sẽ bố trí sao cho phù hợp, đủ, không chỉ những vị trí đó.
Tôi khẳng định ai phá rào địa phương biết cả. Chúng ta đừng đòi hỏi thêm bất kỳ chế tài quy định nào nữa mà hãy thực hiện đầy đủ các chế tài hiện có, giao nhiệm vụ cho công an xã, công an phường, để xảy ra phá rào, lãnh đạo công an, lãnh đạo chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm với cấp trên.
- Ông vừa nói tai nạn giao thông do chủ quan. Còn do khách quan, nhiều người nói rằng trên tuyến cao tốc mà không có dải phân cách cứng, dải phân cách kín, chuyện tai nạn giao thông rất dễ xảy ra và thực tế là trên tuyến Nội Bài-Lào Cai đã xảy ra.
Ông Khuất Việt Hùng: Thực ra chúng ta phải xác định dải phân cách cứng sẽ giúp cho không xảy ra tình trạng đấu đầu. Trên thực tế, tai nạn giao thông đấu đầu trên tuyến Nội Bài-Lào Cai rất ít, đa số là không giữ khoảng cách và không giữ vận tốc. Nếu như chạy đúng quy định 80km/giờ, không lấn, không vượt trên đoạn tuyến đó, chắc chắn không xảy ra tai nạn giao thông.
Hiện nay, tiêu chuẩn chạy 80km/giờ là tiêu chuẩn chạy xe trên đường quốc lộ không có dải phân cách cứng ở khu vực ngoài đô thị.
Quy định trên đoạn tuyến từ Yên Bái đến Lào Cai đúng với quy định tiêu chuẩn. Vấn đề quan trọng nhất là giám sát người điều khiển phương tiện tuân thủ đúng quy định tham gia giao thông trên tuyến đường đó và thứ hai là người giám sát bảo vệ pháp luật giám sát bảo vệ nghiêm được quy định pháp luật.
Nếu ta làm được hai việc đó, tôi tin là trên đoạn tuyến này sẽ an toàn giao thông.
- Theo ông, để đảm bảo an toàn cho các tuyến cao tốc, trong thời gian tới cần có những biện pháp gì?
Ông Khuất Việt Hùng: Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến quy định, cách tham gia giao thông trên đường cao tốc.
Thứ nhất, không tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp, không đi bộ, những điều đó tuyệt đối cấm.
Thứ hai, bảo đảm quy định về tốc độ, không chạy quá tốc độ quy định, cũng không chạy thấp hơn tốc độ tối thiểu, giữ khoảng cách khi điều khiển phương tiện trên đường cao tốc.
Xe khách tuyệt đối không đón, trả khách, lên xuống hàng hóa trên đường cao tốc.
Các cơ quan quản lý, khai thác đường cao tốc phải rà soát, kiểm tra và hoàn thiện tổ chức biển giao thông: biển báo, biển cảnh báo về duy trì tốc độ, khoảng cách, những thông tin cần thiết, hỗ trợ cứu nạn khẩn nguy trong trường hợp xe bị hỏng.
Những vị trí có thể gây mất an toàn giao thông do thiếu ánh sáng trong điều kiện tầm nhìn hạn chế phải bố trí ánh sáng chủ động (bật đèn), phản quang để giúp người lái xe khi điều khiển phương tiện trong điều kiện không tốt có thể nhận biết; đảm bảo điều kiện êm thuận của mặt đường, vạch sơn phải đầy đủ.
Chúng tôi cũng đề nghị các đơn vị quản lý và đầu tư, các chủ đầu tư hoặc các đơn vị quản lý khai thác kết cấu hạ tầng khẩn trương hoàn thiện hệ thống trạm dừng nghỉ, đó chính là chỗ để kết nối giữa các dịch vụ vận tải hành khách công cộng với người dân.
Người dân có thể đi từ các tuyến khác tiếp cận đến trạm dừng nghỉ và từ trạm dừng nghỉ có thể lên xe đúng quy định, sử dụng dịch vụ an toàn hơn.
Lực lượng tuần tra phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; phối hợp với chính quyền địa phương phát hiện, xử lý vi phạm của những người cố tình phá rào trèo vào cao tốc…
Ban An toàn giao thông các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, đồng thời vận động lực lượng công an xử lý nghiêm mọi hành vi phá hoại tài sản của đường cao tốc.
- Trân trọng cảm ơn ông./.