Nguyễn Thị Thu Hà. |
Silicon Valley thu nhỏ của Hà San
Hà San, tên thường gọi của Nguyễn Thị Thu Hà, hóa ra cũng nhỏ nhắn, trẻ trung như bao cô gái 25 tuổi khác, cho dù cơ ngơi của MindX mà Hà là đồng sáng lập và đang điều hành thực sự đồ sộ với hơn 9.000 học sinh, 5.000 m2 mặt sàn không gian làm việc chung (co-working space) tại 2 trung tâm ở Hà Nội và TP.HCM...
Cô gọi điều mình đang làm với MindX là giấc mơ về “Little Silicon Valley - thung lũng Silicon thu nhỏ”. Mục tiêu là xây dựng một hệ sinh thái bao gồm trường đào tạo các kỹ năng mới của thời đại 4.0 và tổ hợp không gian làm việc chung.
“Ở đây, chúng tôi chia nhau cảm hứng để thỏa sức sáng tạo các sản phẩm công nghệ trong tương lai”, Hà San say sưa.
Ý tưởng “Little Silicon Valley” được hình thành khi Hà San và hai đồng sáng lập MindX bắt đầu làm về giáo dục công nghệ.
Hà San kể, cô sinh ra tại ngôi làng nhỏ thuộc huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên). Ở vùng quê nghèo, nhiều bạn cùng lứa với Hà San phải nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình, chứ không may mắn được học đến tận Đại học Ngoại thương ở Hà Nội như cô. Cũng không phải ai cũng có cơ hội để đi khắp đây đó, được tận mắt nhìn thấy những cơ hội mới, những chân trời mới...
“Ngẫm từ mình và nghĩ từ các bạn, tôi tự đặt câu hỏi: Có cách gì giúp mọi người tiếp cận chương trình giáo dục ngắn hạn và thay đổi nhận thức không? Ý nghĩ về một dự án giáo dục quanh quẩn trong đầu tôi”, Hà San bộc bạch.
Bước ngoặt thực sự đến với Hà San vào năm 2015, khi cô trở thành đại sứ sinh viên Google tại Việt Nam và có cơ hội đi gần hết các nước Đông Nam Á để thực hiện vai trò đại sứ. Những chuyến đi quý giá đã mở ra cho Hà San một cánh cửa mới. “Tôi tin là công nghệ có thể thay đổi cuộc đời một con người”, Hà San nói.
Cơ duyên khởi nghiệp đến khi Hà San gặp hai người bạn có cùng lý tưởng, cùng tầm nhìn. Nói về những người bạn, Hà San nói mừng như “cá gặp nước”. Cả đội đều thấy, Việt Nam có nhiều lợi thế để trở thành một trung tâm nhân lực công nghệ cao của thế giới nói chung và khu vực nói riêng, nhưng khâu đào tạo về mảng này còn đang yếu.
Tại các nước phát triển, học sinh được tiếp cận công nghệ từ rất sớm, nên có điều kiện sớm phát hiện khả năng của bản thân, để từ đó xác định con đường đi cho tương lai.
“Tại sao Việt Nam không có được điều kiện đó? Không thể có những kỹ sư giỏi nếu không có nơi để các bạn trẻ khám phá bản thân. Chúng tôi quyết định thành lập Little Silicon Valley”, CEO MindX kể lại những ngày đầu.
Đầu năm 2016, các lớp học công nghệ về lập trình, robotics, đồ họa máy tính, 3D, VR/AR, làm phim/video… lần lượt ra đời với tên gọi Techkids. Đầu tiên chỉ có một lớp với 10 học sinh, sau tăng dần lên 2 lớp, rồi hình thành một trung tâm. Các giảng viên ở Techkids hầu hết là những kỹ sư công nghệ có chuyên môn và được tuyển chọn nghiêm ngặt.
Vận hành Techkids êm xuôi một thời gian, Hà San phát hiện tình trạng buổi tối lớp học đều kín chỗ, nhưng ban ngày trống hoe, rất phí. Cô rủ một số người bạn start-up về không gian làm việc chung, bắt đầu từ sáng đến 6 giờ 30 chiều, trước khi các lớp học bắt đầu lúc 7 giờ tối.
Ý tưởng có vẻ “tận dụng”, nhưng lại mang đến cho Hà San nhiều cảm nhận tích cực. Cô nhận ra rằng, việc kết hợp giữa trường học công nghệ và cho thuê không gian chung đã tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp hỗ trợ nhau. Có những công ty 10 người thì 8 người là học viên của TechKids; nhiều bạn học xong TechKids thì thuê luôn văn phòng làm công ty để khởi nghiệp...
Giấc mơ đi khắp Việt Nam
Tháng 10/2019, Quỹ ESP Capital cùng một số nhà đầu tư cá nhân khác đã đầu tư 500.000 USD vào MindX. Lý do có vẻ lãng mạn, theo cách nói của bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành ESP Capital, đó là “cùng xây dựng giấc mơ Silicon Valley thu nhỏ trên khắp Việt Nam”.
Nhưng thực tế, các nhà đầu tư thấy mô hình MindX đang theo đuổi không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường, mà còn thể hiện khả năng sáng tạo của đội ngũ sáng lập.
“Hà San, CEOMindX - là người trẻ dám nghĩ, dám làm và dám theo đuổi giấc mơ lớn. Dù khởi đầu không thật thuận lợi, nhưng CEO MindX đã từng bước vượt qua khó khăn để xây dựng nên ‘Little Silicon Valley‘ đầu tiên. Điều này đã thuyết phục chúng tôi”, bà Uyên Vy thừa nhận.
Với khoản đầu tư này, MindX sẽ có cơ hội mở thêm các cơ sở mới ở nhiều địa phương, trước hết là TP.HCM.
Nhưng Hà San không cảm thấy cần phải vội. “Đó là tiền của nhà đầu tư, là sự tin tưởng của người khác cho mình, nên phải tính toán thật kỹ để tối đa hóa được quy mô và hiệu quả đem lại. Mục tiêu của chúng tôi trong 3 năm tới sẽ mở từ 20 đến 50 cơ sở, đưa mô hình Silicon Valley thu nhỏ đi khắp Việt Nam”, Hà San tiết lộ.
Ngoài ra, MindX đang làm việc với các trường đào tạo tại Mỹ, Singapore, Hàn Quốc để bản địa hóa phương pháp đào tạo, nhằm chọn ra phương pháp phù hợp nhất với văn hóa và cách học tập của học viên Việt Nam.
Nhưng Hà San xác định rõ, gây dựng và duy trì một hệ sinh thái như MindX vô cùng khó với những người trẻ như cô, từ nhân sự, đến tài chính, chiến lược phát triển công ty... Đã có lúc Hà San hoang mang, thậm chí là sợ hãi.
“Tôi phải rèn độ lì lợm cảm xúc và học hỏi, trau dồi bản thân, nâng tầm của người lãnh đạo lên rất nhiều. Mọi việc từng bước đi qua. Điều quan trọng là không có gì giới hạn giấc mơ của mình nếu mình luôn ở thế sẵn sàng đối mặt với thách thức để đi đến cùng”, Hà San tâm sự.
Sau 4 năm, đến giờ, MindX đang có 5 cơ sở ở Hà Nội và TP.HCM, tổng diện tích sàn 5.000 m2, đã giảng dạy cho gần 9.000 học viên. Và điều đáng mừng là không ít học viên của MindX đã vào làm cho các doanh nghiệp công nghệ từ khi học cấp 3.
Trong giấc mơ của Hà San, đã có Phương Thảo, 15 tuổi, lập trình viên chuyên nghiệp cho một công ty công nghệ; Hữu An, 17 tuổi, đã tham gia các dự án của một công ty khởi nghiệp sau 6 tháng học tập tại MindX, dự án này đã được nhận 25.000 USD từ Quỹ đầu tư VSV; Minh Phú, học sinh lớp 4 đoạt giải nhì quốc tế sáng tạo ứng dụng di động; hay Hoàng Long, đại diện duy nhất của Việt Nam đoạt giải Ba Cuộc thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật Intel ISEF (Mỹ)... Còn rất nhiều học sinh của MindX đang học tập, làm việc tại 15 quốc gia trên thế giới.
Họ đang cùng Hà San đưa giấc mơ thung lũng Sillicon thu nhỏ đi khắp Việt Nam và xa hơn nữa...