Ngân hàng - Bảo hiểm
Nhà băng bắt đầu cơ cấu nợ cho khách hàng
Hà Tâm - 17/03/2020 10:38
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho hay, hàng ngàn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang chờ nhà băng cơ cấu lại nợ.
.

Bắt đầu thực hiện giãn nợ cho khách hàng

Vietjet là một trong những doanh nghiệp đầu tiên gửi đơn lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đề nghị được thực hiện chính sách giãn thời gian trả nợ, giảm lãi suất. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động nặng nề đến ngành hàng không, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet hy vọng, hỗ trợ từ ngân hàng sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Tất nhiên, Vietjet không phải là trường hợp duy nhất. Cho đến nay, NHNN đã nhận được hàng chục đơn của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đề nghị giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm lãi vay…

Vào cuộc tích cực, tuần qua, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cốt tử của doanh nghiệp hiện nay.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho hay: “Theo thống kê của chúng tôi, từ khi bắt đầu có dịch Covid-19 (ngày 27/1) tới nay, khoảng 1.000 khách hàng TPBank với dư nợ xấp xỉ 10.000 tỷ đồng có khả năng không trả được nợ đúng hạn”.

Trước khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN được ban hành, TPBank đã thông báo sẽ xem xét gia hạn nợ, cơ cấu nợ, không áp dụng lãi phạt… và triển khai các gói cho vay ưu đãi lên tới 3.000 tỷ đồng với lãi suất giảm 1 - 1,5% để hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đánh giá của NHNN, tính đến nay, đã có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ của khách hàng có khả năng không trả đúng hạn, chiếm hơn 11% tổng dư nợ toàn hệ thống.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay, thông tư hướng dẫn này là hành lang pháp lý quan trọng để ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà không chuyển nhóm nợ (không làm tăng nợ xấu), đồng thời tạo điều kiện để các ngân hàng tiếp tục cho vay mới đối với dự án có phương án sản xuất - kinh doanh hiệu quả trong thời gian tới.

“Mức độ giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng tùy vào khả năng tài chính của từng doanh nghiệp. Tại Vietcombank, mức giảm lãi suất là 1-1,5%/năm đối với dư nợ VND và 0,5%/năm đối với dư nợ ngoại tệ”, ông Thành cho biết.

Ngân hàng được toàn quyền chủ động hỗ trợ khách hàng

Tính đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng đã cam kết hỗ trợ 285 tỷ đồng cho doanh nghiệp dưới các hình thức giãn nợ, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, giảm phí…

Về thực hiện, đến cuối tuần qua, các ngân hàng đã miễn, giảm lãi cho 80 khách hàng với tổng số tiền khoảng 350 tỷ đồng; đang xem xét miễn, giảm lãi cho khách hàng với số tiền 185.000 tỷ đồng; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ mới cho khách hàng với dự kiến khoản vay 24.000 tỷ đồng; xem xét miễn, giảm lãi và cho vay mới với nhiều doanh nghiệp.

Các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay không chỉ để thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, mà còn thể hiện tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp. Nếu như năm 2009, việc hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện bằng nguồn ngân sách (cấp bù lãi suất), thì lần này, việc hỗ trợ doanh nghiệp hoàn toàn bằng nguồn của ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN

“Gói 250.000 tỷ đồng có thể là không đủ, các ngân hàng thương mại sẽ đóng góp thêm. Ngành ngân hàng, trong đó có TPBank, luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp. Chúng tôi đã chủ động tính toán giảm phần lợi nhuận của mình để bù đắp cho doanh nghiệp”, Chủ tịch HĐQT TPBank cam kết.

Câu hỏi được nhiều doanh nghiệp quan tâm hiện nay là làm thế nào để đủ điều kiện được ngân hàng cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm lãi vay.

Theo quy định của Thông tư 01/2020/TT-NHNN, để được ngân hàng hỗ trợ, doanh nghiệp phải đáp ứng 3 điều kiện.

Thứ nhất, phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.

Thứ hai, phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.

Thứ ba, khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên, mức độ hỗ trợ đến đâu, áp dụng như thế nào đối với từng doanh nghiệp sẽ thuộc quyền chủ động của từng ngân hàng.

Ông Võ Hoàng Tấn Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng SCB cho rằng, việc trao quyền chủ động tái cơ cấu nợ cho ngân hàng là phù hợp, vì ngân hàng sẽ cân đối tùy tình hình tài chính của mình và tình hình của từng khách hàng để đưa ra quyết định phù hợp. “Ngân hàng cho vay thì cũng nên để cho ngân hàng được quyền quyền định cơ cấu nợ, giảm lãi vay. Thực tế, ngân hàng cũng không dại gì làm mất lòng khách hàng tốt và sẽ hỗ trợ hết sức khách hàng của mình”, ông Văn nêu quan điểm.

Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng TMCP chia sẻ, thời gian qua, dưới sức ép của NHNN, sức khỏe của hệ thống ngân hàng đã tốt lên và khả năng chống chịu đang ở mức tốt nhất từ trước đến nay. Vì vậy, ngân hàng có đủ lực để đối phó với dịch Covid-19 và tham gia hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy vậy, vị lãnh đạo này cho rằng, không phải doanh nghiệp nào cũng được hỗ trợ. Cụ thể, với những doanh nghiệp vẫn còn lực để chống chọi, ngân hàng sẽ không giãn nợ, để dồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp thực sự khó khăn. Ngoài sự hỗ trợ của ngân hàng, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự mình xoay xở, đưa ra các sáng kiến kinh doanh để vượt qua đại dịch.

Tin liên quan
Tin khác