Ngân hàng - Bảo hiểm
Nhà băng vẫn kiếm bộn nhờ bảo hiểm
Hà Tâm - 18/07/2021 15:38
Dù bị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cảnh báo về hiện tượng ép mua bảo hiểm, song với lợi nhuận khổng lồ từ mảng này, các ngân hàng dự báo tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh bảo hiểm.
Nhiều ngân hàng đang kiếm bộn tiền từ mảng kinh doanh bảo hiểm, như VietinBank, SCB, VPBank... Ảnh: Đ.T

Những hợp đồng ngàn tỷ béo bở với nhà băng

Ngân hàng VietinBank vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng với lợi nhuận ước đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số lợi nhuận này khả năng chưa bao gồm khoản phí trả trước của hợp đồng bán bảo hiểm nhân thọ với Manulife ký kết cuối năm ngoái. Như vậy, 2 quý cuối năm, VietinBank sẽ ghi nhận thêm hàng ngàn tỷ đồng khoản phí trả trước này.

Ngân hàng SCB cũng cho biết kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm rất khả quan, nhất là mảng dịch vụ. Hết quý II/2021, thu nhập từ dịch vụ của Ngân hàng đạt 1.310 tỷ đồng, tương đương 78% tổng thu nhập dịch vụ năm 2020. Trong đó, doanh số bảo hiểm đạt gần 1.000 tỷ đồng, đưa SCB trở thành ngân hàng đứng đầu thị trường về tốc độ phát triển kinh doanh mảng bancassurance.

Tại một số ngân hàng khác, thu nhập đến từ bảo hiểm cũng tăng mạnh. Cụ thể, Ngân hàng MSB báo lãi trước thuế 6 tháng đầu năm tăng gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 85% kế hoạch cả năm với 2.800 tỷ đồng.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán SSI, nguyên nhân khiến lợi nhuận của MSB tăng mạnh một phần là nhờ nguồn tiền bổ sung từ phí trả trước của thỏa thuận độc quyền được ký kết gần đây với Prudential, ước tính khoảng 500 tỷ đồng. Không chỉ phí trả trước, thương vụ bắt tay này còn khiến doanh thu từ phí bán bảo hiểm của MSB được dự đoán tăng 30-40%/năm trong vòng 5 năm tới.

Đối với Ngân hàng ACB, Công ty SSI ước tính lợi nhuận trước thuế quý II/2021 tăng 58% so với cùng kỳ, nhờ tín dụng tăng 19 - 20%, biên lãi ròng nới rộng so với cùng kỳ và doanh thu từ hoạt động bán chéo bảo hiểm. Kể từ ngày 1/1/2021, ACB chính thức phân phối độc quyền các sản phẩm nhân thọ của Sunlife Việt Nam, khoản phí trả trước cho hợp đồng này là 370 triệu USD (8.500 tỷ đồng).

Trong khi đó, VPBank đang ráo riết tiến hành đàm phán lại hợp đồng bancassurance với hãng bảo hiểm AIA. Ước tính, sau khi ký kết, VPBank sẽ thu về khoản phí trả trước ít nhất 6.000 - 7.000 tỷ đồng.

Khảo sát các công ty bảo hiểm mới đây của Vietnam Report cho thấy, doanh thu kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đến nay đã xấp xỉ bằng doanh thu từ kênh đại lý của các công ty bảo hiểm. Điều này cho thấy, phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đang mang lại nguồn thu béo bở cho nhiều ngân hàng.

Thực tế, rất nhiều ngân hàng được dự báo lãi lớn năm nay đều có các hợp đồng bảo hiểm độc quyền với các công ty bảo hiểm, như Vietcombank, VietinBank, ACB, echcombank, MSB, HDBank, SCB…

Trong một báo cáo phát hành gần đây, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, mặc dù Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế, song kết quả kinh doanh ngân hàng năm nay vẫn lạc quan. Một trong những lý do là nhờ thu nhập phí của các ngân hàng sẽ tăng trưởng tốt nhờ bancassurance tiếp tục tăng trưởng, các ngân hàng sẽ tiếp tục thu về khoản phí trả trước hàng ngàn tỷ đồng, chưa kể doanh thu hoa hồng từ bán bảo hiểm.

Khó cấm ngân hàng “ép” khách mua bảo hiểm

NHNN đang vận động các ngân hàng TMCP giảm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Mặc dù làn sóng giảm sâu lãi suất khó diễn ra, song việc giảm lãi vay phần nào tác động đến thu nhập ngân hàng. Trong bối cảnh này, nhiều khả năng, các ngân hàng sẽ lại đẩy mạnh doanh thu ngoài lãi, đặc biệt là mảng bảo hiểm.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc nhà băng đa dạng hóa nguồn thu, đẩy mạnh bán chéo bảo hiểm là rất tích cực, nhằm giảm phụ thuộc vào tín dụng. Trong cuộc đua cạnh tranh bán chéo bảo hiểm, ông Hiếu cho rằng, lợi thế sẽ thuộc vào những ngân hàng có tệp khách hàng tốt, mạng lưới rộng.

Mặc dù vậy, theo phản ánh của các khách hàng, hoa hồng béo bở từ bảo hiểm khiến nhiều ngân hàng đang có hiện tượng ép khách hàng mua bảo hiểm mới được giải ngân vốn.

Mới đây, NHNN Chi nhánh TP HCM đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm tại đơn vị; xử lý nghiêm trường hợp ép khách hàng mua bảo hiểm các loại không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng; bảo đảm phê duyệt hồ sơ, giải ngân đúng quy định.

Trước đó, Bộ Tài chính và NHNN cũng đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng thương mại không được ép buộc khách hàng mua bảo hiểm. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tái diễn nhiều năm nay.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo các ngân hàng TMCP khẳng định không ép khách hàng mua bảo hiểm, mà chỉ khuyến khích khách hàng tham gia bảo hiểm. Tuy vậy, rất nhiều ngân hàng đã áp chỉ tiêu bán bảo hiểm cho từng nhân viên, nên hiện tượng ép mua bảo hiểm vẫn diễn ra công khai.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật An Vi cho rằng, hoa hồng bảo hiểm quá cao khiến nhân viên ngân hàng tìm mọi cách để khách hàng ký hợp đồng. Trong quá trình tư vấn, nhiều nhân viên ngân hàng cũng không phân tích rõ ràng, minh bạch cho khách hàng, dẫn tới hiện tượng khách hàng đóng tiền một năm, sau đó bỏ hợp đồng. Nếu tình trạng này xảy ra, thì không chỉ khách hàng, mà cả ngân hàng cũng bị thiệt.

Theo ông Đức, hoa hồng bán bảo hiểm hiện nay cao phi lý. Vì vậy, để bảo hiểm nhắm tới nhu cầu thực của khách hàng, giảm bớt tình trạng ép khách mua bảo hiểm, Bộ Tài chính cần đưa ra quy định giảm hoa hồng bảo hiểm, giúp thị trường lành mạnh hơn.

Doanh thu kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đến nay đã xấp xỉ bằng doanh thu từ kênh đại lý của các công ty bảo hiểm. Điều này cho thấy, phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đang mang lại nguồn thu béo bở cho nhiều ngân hàng.

 Nguồn: Vietnam Report

Tin liên quan
Tin khác