Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
1.
Bữa rồi tôi có đưa 1 tấm hình nhà cũ lên trên trang cá nhân với sự hoài cổ. Căn nhà đó được gia đình tôi xây dựng từ đám đất mua đã lâu, cả 20 năm trước chứ không ít.
Thời đó, vùng đất mới ở ngoại ô còn thưa thớt bóng người. Ai chạy được từ Sài Gòn lên tới khu ngoại thành này đều thấy xa quá xa. Nhớ có lần, tôi mời vài người bạn từ Hà Nội tới chơi, xe taxi không biết đường chạy vòng vòng đi kiếm cả tiếng đồng hồ khiến người nào cũng bực bội khó chịu.
Rồi lần khác, làm tiệc sinh nhật cho con gái ở nhà, mà có gia đình cậu bạn lái xe tới, đường thì cấm xe hơi quẹo vô do đang sửa chữa, đường khác thì xa hơn nhiều khiến lũ trẻ trên xe hối thúc người lớn phát cáu.
Sau những chuyện như vậy, dần dần tôi cảm thấy rất phiền bạn bè nên ít tổ chức các sự kiện ở nhà. Bạn bè từ xa tới, đành mời ở quán cà phê ăn uống ngay trung tâm thành phố cho tiện. Đôi lúc cũng muốn không gian riêng, vì nhà rộng có sân vườn cho những người thân ghé chơi, nhưng thiệt lòng thấy thương mọi người quá.
Đường xa lại kẹt xe, khói bụi ô nhiễm, mà có phải ai cũng đi xe hơi đâu. Chạy xe gắn máy khổ lắm. Nên dần dần không còn các buổi tụ tập quây quần bạn bè được nữa.
Nhà rộng, ít người, rất không phù hợp. Cuối cùng gia đình tôi chuyển ra căn nhà phố cho tiện lợi hơn. Nhà phố thì lại chẳng có không gian rộng rãi để làm tiệc rượu vui chơi như nhà biệt thự, nên cũng lại lâu lơ lâu lắc rồi, dù ngày lễ tết rảnh rỗi, vẫn không có dịp gặp gỡ bạn bè tại gia. Vì thế mà đôi lần nhìn lại các hình ảnh nhà cũ, tôi vẫn da diết nhớ.
Trong sự chia sẻ ấy, có 1 bạn đọc chat riêng với tôi. Cô kể về nỗi nhớ nhà cũ với cách vô cùng cảm động. Căn nhà cũ của cô nằm trong 1 con đường nội bộ của thành phố. Nơi ấy đã từng có một tổ ấm gia đình hoàn hảo. Vợ chồng cô làm chung cơ quan. Thời gian đầu, họ hạnh phúc như bao cặp đôi khác mới cưới, nhưng dần dần, công việc của chồng cô dày đặc lên, tỷ lệ thuận với chức danh mà anh được bổ nhiệm. Những đêm trực trong tuần nhiều hơn. Đôi khi anh muốn ngủ yên giấc để đảm bảo sức khỏe cho ngày mai nhiều công việc quá áp lực, nên cũng ở lại trong cơ quan luôn.
Mình cô xoay xở với 2 đứa con nhỏ, hỏi sao mà vợ chồng không mâu thuẫn, không xa cách. Và cuối cùng, thì cặp đôi ly hôn trong sự tiếc nuối của rất nhiều người. Căn nhà cũ bán đi đã lâu, vợ cũ chồng cũ đều cũng ổn định cuộc sống nơi khác. Nhưng chỉ cần ai đó nói tới vị trí con đường ấy, là bao kỷ niệm trong cô ùa về. Cô nói ủa sao cũng kỳ lạ, lẽ ra là tiếc người chứ ai tiếc của làm gì. Mà sao lại cứ nhớ nhung căn nhà cũ quá nhiều điều để đáng nhớ (mà có thể đáng quên) đến thế!
2.
Gần đây, trong các câu chuyện ngôn tình lấy nước mắt của phụ nữ, các bà các chị đưa ra khái niệm “Đàn bà đã cũ”. Thực tình tôi cũng đã có lúc ngồi ngây ra suy nghĩ về khái niệm này. Đàn bà là đàn bà, chứ sao lại cũ hay mới.
Có rất nhiều ông chồng hoặc bà vợ, sau khi đã ly dị nhau rồi, chẳng hiểu lý do gì lại tái hợp. Nghĩa là họ chẳng cần phân biệt gì khái niệm cũ mới. Cứ thấy còn thích nhau, là còn cần nhau. Đơn giản thế thôi. Chứ nghe cụm từ Đàn bà đã cũ, tự nhiên thấy thương quá. Nghe có vẻ cũ kỹ, chứ không phải là hoài niệm. Không giống như nhà cũ chút nào.
Bởi vậy, đôi khi nhà cũ và người cũ lại chẳng song hành được với nhau, ngay cả trong nỗi nhớ. Người cũ thậm chí còn không được nhớ số điện thoại và muốn quên béng đi luôn cho khỏi phiền phức gì. Trong khi nhà cũ lại cứ nhớ hoài.
Có lẽ người ta nhớ nhà cũ, vì bất động sản luôn tăng giá. Còn người cũ, thì chỉ rớt thảm theo thời gian mà thôi.