Theo anh Hải Triều, một nhà đầu tư địa ốc lâu năm, sau thông tin Vingroup đề xuất đầu tư xây cầu Tứ Liên, thị trường bất động sản huyện Đông Anh nhiều khả năng sẽ sớm khởi sắc trở lại.
“Lý do tôi dùng từ ‘trở lại' là vì hồi cuối tháng 9/2024, phía Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội bác bỏ thông tin thành phố sẽ xây dựng cầu Tứ Liên trong năm nay. Điều này đã khiến mặt bằng thị trường bỗng chốc chững lại, tâm lý nhà đầu tư cũng chùng xuống”, anh Triều chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn.
Cầu Tứ Liên sẽ là công trình quan trọng góp phần kết nối các đại đô thị tại huyện Đông Anh với khu vực trung tâm thành phố. Ảnh: Thanh Vũ |
Nhà đầu tư này cho biết thêm, hiện mặt bằng giá những lô đất thổ cư ngoài mặt đường và gần cầu Tứ Liên đang dao động trong khoảng 150 - 180 triệu đồng/m2. Trong khi đó, các thửa đất nằm trong ngõ ô tô đỗ cửa sẽ có giá khoảng 90 - 100 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, kể cả khi cầu Tứ Liên nhận về những thông tin không mấy tích cực, giá bán đất cũng không có dấu hiệu suy giảm.
“Các nhà đầu tư xuống tiền tại Đông Anh đều xác định sẽ ‘giữ đất' trong dài hạn, từ 3 - 5 năm, để đợi hạ tầng phát triển. Bên cạnh các công trình giao thông dự kiến sẽ khởi công như cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, giá đất tại đây còn được hưởng lợi từ các đại dự án như Vinhomes Cổ Loa, thành phố thông minh của BRG…”, anh Hải Triều nhận định.
Trong một diễn biến gần đây, huyện Đông Anh vừa chào đón thêm một dự án chung cư cao cấp. Mức giá căn hộ dự kiến mà chủ đầu tư đưa ra khoảng 106 - 110 triệu đồng/m2. Cũng trong khuôn viên khu đô thị, nhiều nhà đầu tư đã “choáng váng" trước mức giá 274 triệu đồng/m2 đối với một căn nhà liền kề. Thậm chí, các căn biệt thự đơn lập còn có giá khởi điểm lên tới 636 triệu đồng/m2.
Trước đó, một số kênh thông tin đã đăng tải việc Hà Nội sẽ khởi công xây dựng cầu Tứ Liên vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, phía Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã phủ nhận điều này và cho biết tiến độ thực hiện công trình vẫn đang ở những bước sơ khai. Dự kiến nhanh nhất cũng phải tới cuối năm 2025, dự án mới xong các thủ tục, chủ trương đầu tư xây dựng.
Sở cũng nhấn mạnh rằng, thành phố đang tập trung dồn lực cho dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô nên hiện chưa xác định nguồn vốn thực hiện đầu tư cầu Tứ Liên. Bên cạnh đó, sau cơn bão Yagi, Hà Nội còn phải ưu tiên xử lý thêm một loạt công trình cầu yếu, cầu tạm. Vì vậy, trong số các cây cầu bắc qua sông Hồng dự kiến sẽ khởi công, dự án nào hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trước sẽ được ưu tiên triển khai.
Hiện dự án cầu Tứ Liên đang phải đương đầu nhiều “bài toán" khó, đặc biệt là khối lượng giải phóng mặt bằng, dự kiến sẽ rất phức tạp, khó khăn, nhất là khu vực đầu cầu trên địa bàn quận Tây Hồ. Đồng thời, việc thi công xây dựng còn liên quan đến công tác đảm bảo an toàn đê sông Hồng. Do đó, các cơ quan chuyên môn đang gặp áp lực rất lớn trong việc tìm ra các phương án kỹ thuật.
Dự án cầu Tứ Liên là một trong những công trình giao thông trọng điểm của TP. Hà Nội, nằm trong quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án là 19.959 tỷ đồng.
Theo phương án thiết kế, cầu Tứ Liên có nhịp chính bắc qua sông Hồng, nối liền bờ phía Tây sông Hồng dọc tuyến đường Âu Cơ - Nghi Tàm thuộc địa phận các phường Yên Phụ, Tứ Liên (quận Tây Hồ) với bờ Đông sông Hồng thuộc địa phận huyện Đông Anh.