Đầu tư
Nhà đầu tư FDI duy trì lòng tin với Việt Nam
Thế Hoàng - Vân Giang - 25/09/2021 09:06
Các khoản đầu tư mới để mở rộng sản xuất được công bố trong thời điểm này cho thấy sự tin tưởng của các doanh nghiệp FDI đối với triển vọng hồi phục kinh tế của Việt Nam.
Nhà máy của Nestlé tại Hưng Yên

Công bố khoản đầu tư mới

Nestlé, nhà đầu tư FDI đến từ Thụy Sỹ vừa công bố khoản đầu tư trị giá hơn 130 triệu USD tại Việt Nam, đưa tổng vốn đầu tư lên 730 triệu USD trong vòng 2 năm tới để thực hiện một loạt dự án mở rộng sản xuất. “Chúng tôi vẫn tin tưởng vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu và khu vực”, ông Urs Kloeti, Giám đốc Nhà máy Nestlé Bông Sen nói.

Nestlé sẽ đầu tư nâng gấp đôi công suất của nhà máy cà phê hòa tan phục vụ xuất khẩu; mở rộng máy sản xuất khử cafein (decaf) trở thành nhà máy decaf lớn nhất của Nestlé trên toàn thế giới; tăng công suất dây chuyền sản xuất viên nén cà phê máy lọc Dolce Gusto để xuất khẩu; đầu tư sản xuất dòng cà phê sấy lạnh siêu cao cấp để xuất đi Nhật Bản. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đầu tư đưa trung tâm sản xuất các sản phẩm Maggi dạng lỏng tại nhà máy Đồng Nai trở thành trung tâm chuyên môn về các sản phẩm phục vụ nấu ăn chuyên nghiệp dạng lỏng tại châu Á và Australia.

Bên cạnh Nestlé, trong nỗ lực khôi phục sản xuất - kinh doanh trong tình hình mới, vẫn còn không ít doanh nghiệp FDI khác cam kết tiếp tục ở lại Việt Nam và tăng vốn đầu tư như dự định. Điều này càng trở nên đặc biệt khi Việt Nam đang chịu nhiều tổn thất của đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư, khiến nhiều tỉnh, thành phố phải giãn cách nhiều tháng nay và không ít doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.

Một doanh nghiệp 100% vốn Thụy Điển là Tetra Pak đã xác nhận sẽ đầu tư thêm 5 triệu EUR để mở rộng nhà máy 120 triệu EUR tại Bình Dương. “Khoản đầu tư thêm này thể hiện niềm tin của chúng tôi vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch”, ông Eliseo Barcas, Tổng giám đốc Tetra Pak Việt Nam nói.

Theo ông Eliseo Barcas, khoản đầu tư thêm sẽ giúp Tetra Pak phục vụ khách hàng tốt hơn khi công suất được tăng thêm, cung cấp các loại hộp giấy hấp dẫn hơn, giảm thiểu tác động môi trường. Theo đó, nhà máy sẽ tăng sản lượng hàng năm từ 11,5 tỷ vỏ hộp hiện tại lên 16,5 tỷ vỏ hộp, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vỏ hộp giấy tiệt trùng ở trong nước và khu vực. Nhà máy cũng được trang bị thêm để có thể sản xuất các loại vỏ hộp giấy cao cấp thay thế hàng nhập khẩu và lắp đặt 2.300 tấm pin mặt trời trên mái.

Ngoài ra, còn phải kể đến dự án tăng vốn thêm 1,4 tỷ USD của LG Display ở Hải Phòng, sau khi đã tăng vốn 750 triệu USD hồi tháng 2. Quảng Ninh cũng vừa đón nhận dự án đầu tư thứ hai của Jinko Solar, vốn đăng ký hơn 365 triệu USD. Trước đó, cuối tháng 3/2021, nhà đầu tư này đã đầu tư dự án gần 500 triệu USD tại Quảng Ninh.

Vẫn còn khó khăn

Theo khảo sát mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), một số nhà máy trong lĩnh vực ô tô của Nhật Bản đã phải dừng dây chuyền sản xuất do không có nguồn cung cấp linh kiện chính từ Việt Nam. Nếu điều này tiếp diễn, họ không có lựa chọn nào khác là tìm kiếm các giải pháp thay thế khác ở các quốc gia khác nhau. “Tôi hy vọng đó là sự chuyển hướng tạm thời và rất hạn chế, bởi rất nhiều công ty Nhật Bản đặt niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn”, ông Hirai Shinji nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm này, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Jetro tại Hà Nội cho biết, dù trước mắt có khó khăn, nhưng tình hình chưa đến mức phải quyết định di dời, vì di dời trong thời gian ngắn là không khả thi, mà cần nhiều năm để xây dựng hệ thống hoàn chỉnh. “Trong 10-20 năm qua, Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. Vậy nên, chẳng có công ty nào quyết định rời Việt Nam chỉ vì vài tháng khó khăn, dù họ phải điều chỉnh, cải tiến hệ thống sản xuất trong tình hình mới”, ông Takeo Nakajima khẳng định.

Tương tự, trong phát biểu mới đây trên truyền hình, ông Hon Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) khẳng định, nếu Việt Nam duy trì kiểm soát ổn định dịch bệnh, thì nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư mới. Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin và đưa ra các biện pháp kiểm soát dịch bệnh linh hoạt hơn. Việc này không chỉ giúp Việt Nam củng cố niềm tin với cộng đồng doanh nghiệp FDI, mà còn có thêm cơ hội hấp thu thêm các nguồn vốn FDI khác.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cho biết, trong ngắn hạn, Chính phủ đang đẩy mạnh tiêm chủng để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, đặc biệt là tại các vùng kinh tế trọng điểm và đây là bước đi đúng. “Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu quyết tâm đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn khó khăn này. EuroCham tin rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh như giai đoạn trước đây”, ông Alain Cany khẳng định.

Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Jetro tại TP.HCM chia sẻ, đối với doanh nghiệp Nhật Bản, nguyên tắc cơ bản của hoạt động kinh doanh là khả năng dự đoán được tình hình. Trong 3 lần bùng dịch trước đó tại Việt Nam, môi trường kinh doanh rất dễ dự đoán. Tuy nhiên, trong làn sóng bùng phát lần thứ 4, dịch bệnh lây lan nhanh chóng khiến tình hình trở nên phức tạp, các nhà sản xuất phải đối mặt với những điều không chắc chắn.

Thời gian qua, tại nhiều địa phương, một số nhà máy vẫn duy trì hoạt động dưới hình thức “3 tại chỗ”, nhưng chỉ có thể sản xuất khoảng 10-50% công suất vì thiếu công nhân. “Rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang sẵn sàng mở rộng hoạt động và nâng công suất, nếu chính quyền địa phương nới lỏng lệnh giãn cách, cho phép lưu thông trở lại”, ông Hirai Shinji cho biết.

Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam, việc giãn cách xã hội kéo dài cùng với những quy định chặt chẽ trong phòng, chống dịch khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng với chi phí sản xuất tăng cao. Điều này gây ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp và khiến dòng tiền bị gián đoạn.

Tiếp tục bám trụ tại Việt Nam

Nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra mới đây cho biết, dù dịch bệnh làm sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, nhưng nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với kinh tế Việt Nam. Theo Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô của WB công bố ngày 15/9, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020; vốn thực hiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng trong tháng 8/2021, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, Việt Nam thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tăng 65% so với tháng 7. Vốn FDI đăng ký cao hơn chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng. Mức tăng này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.

Dù gặp khó khăn trong sản xuất do thực hiện “3 tại chỗ” và các biện pháp phòng, chống dịch, nhưng các doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam vẫn đạt được năng suất, sản lượng lớn. Điều này thể hiện ở thương mại trong 8 tháng của khối này tiếp tục tăng trưởng khá.

Tổng cục Hải quan cho biết, tổng giá trị xuất nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 297,43 tỷ USD, tăng 31,2%, tương ứng tăng gần 70,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối này đạt 156,64 tỷ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước, đưa thặng dư thương mại trong 8 tháng lên mức 15,86 tỷ USD.

Cùng với quyết tâm bám trụ tại Việt Nam, phần lớn nhà đầu tư FDI mong mỏi Chính phủ sớm có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi kinh tế. Các doanh nghiệp FDI lo ngại, nếu chần chừ, các kế hoạch đầu tư hiện có tiếp tục bị trì hoãn, trong khi các nhà đầu tư tiềm năng mới không thể tìm đến.

Tại buổi yết kiến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sáng 21/9 trong khuôn khổ chuyến làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York (Hoa Kỳ), ông Michael Goltzman, Chủ tịch Văn phòng Chính sách Toàn cầu và Bền vững của Tập đoàn Coca-Cola chia sẻ mong muốn tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư lâu dài và tham gia một cách có trách nhiệm vào các cam kết phát triển bền vững của Việt Nam. Coca-Cola là một trong những nhà đầu tư Hoa Kỳ có mặt đầu tiên và sớm nhất tại Việt Nam ngay sau khi mở cửa, với tổng vốn đầu tư hiện hữu lên đến gần 1 tỷ USD.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết  84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin liên quan
Tin khác