Thông tin với phóng viên Báo Đầu tư mới đây, bà Lê Bích Loan, Phó trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) cho biết, cùng với việc Dự án Samsung CE Complex với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD, khởi công xây dựng vào ngày 19/5 tại SHTP, đã có hàng chục doanh nghiệp của xứ sở kim chi hoạt động trong lĩnh vực điện tử, điện gia dụng đến tìm hiểu đầu tư tại SHTP. “Dự kiến ngay trong tháng 5 này, sẽ có 2 doanh nghiệp Hàn Quốc được cấp phép đầu tư tại SHTP”, bà Loan nói.
Cũng theo bà Loan, ngay sau khi Dự án Samsung CE Complex được cấp phép, SHTP đã chủ động chuẩn bị để đón nhận các dự án đầu tư trong chuỗi sản xuất của Samsung. Cụ thể, SHTP đã quy hoạch một khu vực rộng 35 ha nằm đối diện với dự án của Samsung để sẵn sàng đón nhà đầu tư.
Trước đó, tháng 4/2015, SHTP đã cấp phép cho Dự án “Xây dựng và phát triển Khu Sài gòn Silicon City” của Công ty cổ phần Công viên Sài gòn Silicon, với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, được xây dựng trên diện tích 52 ha để thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Dự án này cũng dự kiến khởi công xây dựng trong tháng này.
“Với các dự án chưa hội tụ đủ điều kiện, nhưng mong muốn trở thành những nhà cung cấp cho các dự án lớn tại SHTP thì sẽ được giới thiệu, tạo thuận lợi để đầu tư tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn TP.HCM”, bà Loan nói và cho rằng, với tác động “kép” mới đây (khởi công dự án của Samsung và VKFTA được ký kết), không chỉ các nhà đầu tư Hàn Quốc, mà nhiều nhà đầu tư khác sẽ chọn SHTP làm địa điểm để triển khai dự án trong thời gian tới.
Trong khi đó, chỉ một ngày sau khi VKFTA chính thức được ký kết, tỉnh Đồng Nai đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai, với tổng vốn đầu tư 660 triệu USD. Dự án này tuy đăng ký quốc gia đầu tư là Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng thực chất có nguồn vốn từ Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc). Tập đoàn này hiện có một dự án hoạt động trong lĩnh vực dệt may có tên là Công ty TNHH Hyosung Việt Nam tại KCN Nhơn Trạch 5 (Đồng Nai), với vốn đầu tư đăng ký hơn 995 triệu USD.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng Ban quản lý các KCN Đồng Nai cho biết, Hyosung Đồng Nai đã hoàn thiện các thủ tục để triển khai xây dựng dự án và dự kiến hoàn thành giai đoạn I ngay trong năm nay. Trong giai đoạn này, Hyosung Đồng Nai sẽ hoạt động trong lĩnh vực dệt may.
Cũng theo ông Nhơn, thu hút vốn đầu tư Hàn Quốc của Đồng Nai trong 4 tháng đầu năm cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm trước. Công ty TNHH Hyosung Việt Nam tuy có số vốn đầu tư rất lớn, song vẫn đang có kế hoạch mở rộng đầu tư trong năm nay.
Trước động thái của Hyosung, các nhà đầu tư khác, trong đó có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đang đẩy nhanh tiến độ mở rộng các dự đầu tư tại Đồng Nai. Theo số liệu tổng hợp, đến nay, tổng vốn đầu tư đăng ký vào lĩnh vực dệt may tại Đồng Nai đạt khoảng 7 tỷ USD, trong đó, doanh nghiệp Hàn Quốc chiếm hơn 1/3.
Theo các chuyên gia, trong 4 tháng đầu năm, làn sóng đầu tư vào các địa phương phía Nam khá dồn dập, trong đó có không ít nhà đầu tư Hàn Quốc. Đơn cử, tại tỉnh Bình Dương, trong số 20 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp mới, có 4 dự án của doanh nghiệp Hàn Quốc. Trong đó, một số dự án có quy mô đầu tư khá lớn, như Công ty TNHH NPC TODA (chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa, tổng vốn đầu tư đăng ký 30 triệu USD), Công ty TNHH Castec Vina (chuyên sản xuất phụ tùng máy nén, khung bao trục giữa, phụ tùng xe hơi…, gần 15 triệu USD).
Nay, khi VKFTA đã chính thức được ký kết, làn sóng đầu tư chắc chắn sẽ còn mạnh mẽ hơn. “Dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Đồng Nai chắc chắn tăng trong thời gian tới, nhất là các dự án đầu tư trong lĩnh vực dệt may”, ông Nhơn nói và cho biết thêm, tỉnh Đồng Nai kết nghĩa với tỉnh Gyeongnam (Hàn Quốc) hàng chục năm nay, nên với những thuận lợi từ việc ký kết VKFTA, kỳ vọng nhiều doanh nghiệp của tỉnh này có thế mạnh trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo sẽ đầu tư vào Đồng Nai trong thời gian tới.