Tài chính - Chứng khoán
Nhà đầu tư Mỹ đổ bộ vào Việt Nam
Thùy Vân - 25/03/2013 21:32
Hội nghị thường niên các nhà đầu tư của Texas Pacific Group (TPG), một sự kiện đặc biệt có ý nghĩa với giới đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam sẽ diễn ra tại Khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội từ ngày 19/3 đến 21/3/2013.
TIN LIÊN QUAN

TPG - nhà đầu tư thông minh

Thị trường Việt Nam không mấy xa lạ với cái tên TPG. Từ cuối năm 2006, TPG đã đổ bộ lần đầu tiên vào Việt Nam với khoản đầu tư 36,5 triệu USD vào Công ty cổ phần FPT (mã chứng khoán FPT - sàn HOSE) dưới dạng cổ phiếu mới phát hành. Tiếp sau đó, vào cuối năm 2009, TPG tiếp tục đầu tư 35 triệu USD vào Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN - sàn HOSE).

Hai khoản đầu tư trên dù không lớn về giá trị, nhưng đã mang lại cho TPG hai khoản lợi nhuận khổng lồ. Với khoản đầu tư ở FPT, TPG đã thu lãi gấp 3 lần số tiền bỏ ra chỉ trong vòng 9 tháng. Với khoản đầu tư vào Masan, bất chấp thị trường chứng khoán Việt Nam trầm lắng trong thời gian dài, giá trị đầu tư của TPG vào Masan vẫn tăng xấp xỉ 5 lần khi TPG thực hiện chuyển đổi từ trái phiếu sang cổ phần của Masan vào giữa năm 2012.

TPG được thành lập bởi hai nhà đầu tư kỳ cựu là ông David Bonderman và ông James Coulter vào năm 1992. Hiện TPG là một trong những công ty đầu tư tư nhân có lượng tài sản quản lý lớn nhất nước Mỹ, với trị giá 54,5 tỷ USD.

TPG có 5 quỹ thành viên, đứng đầu là TPG Capital - chuyên đầu tư vào các công ty đã lớn mạnh với trị giá mỗi thương vụ đầu tư từ 10 triệu USD tới 1 tỷ USD. TPG Capital đã thực hiện đầu tư với tổng số tiền 31,1 tỷ USD ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm Mỹ, châu Âu, châu Á, Australia và Mỹ Latinh. Quỹ thứ hai là TPG Growth - chuyên đầu tư vào các công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng trên toàn cầu. Quỹ thứ ba là TPG Biotech - quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên đầu tư vào các lĩnh vực y tế và y khoa. Quỹ thứ tư là TPG Opportunities Partners - chuyên đầu tư mua bán các tài sản trong tình huống đặc biệt phải bán tháo và quỹ thứ năm là TPG Specialty Lending, chuyên về đầu tư cho vay.

Trong 5 quỹ trên, TPG Growth là quỹ đã đầu tư vào FPT và Masan của Việt Nam. Đây là quỹ chuyên đầu tư vào thị trường trung cấp và cổ phiếu tăng trưởng trên toàn thế giới với trọng tâm là khu vực Bắc Mỹ và châu Á. TPG Growth đầu tư vào nhiều lĩnh vực, bao gồm hàng tiêu dùng, bán lẻ, công nghệ, Internet, y tế, năng lượng, công nghệ sạch và có thể tái sử dụng, giao thông, công nghiệp và dịch vụ kinh doanh. TPG Growth đã huy động 4 tỷ USD vốn đầu tư dài hạn kể từ khi thành lập và có văn phòng đại diện tại nhiều thành phố lớn trên thế giới.

Theo nguồn tin từ TPG, hàng năm, TPG Growth tổ chức hội nghị đầu tư nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư của TPG đánh giá lại danh mục đầu tư, cũng như sự biến động giá trị của các khoản đầu tư trong năm. Hội nghị này cũng là dịp để nhà đầu tư của TPG trao đổi và chia sẻ về các lĩnh vực và thương vụ đầu tư cho năm tới, cũng như các diễn biến vĩ mô cần quan tâm trên toàn cầu.

30 quỹ đầu tư lớn tìm cơ hội tại Việt Nam

Một điểm đáng quan tâm là, tất cả các lần hội nghị trước đây đều được tổ chức tại TP. San Francisco (trụ sở chính của TPG), nhưng năm nay, lần đầu tiên hội nghị được tổ chức tại nước ngoài và là Việt Nam.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy, tới dự hội nghị lần này có khoảng 30 quỹ đầu tư lớn từ Mỹ cùng với các chuyên gia của TPG trên toàn cầu. Một trong hai thành viên sáng lập của TPG là ông David Bonderman sẽ tham dự Hội nghị. Ngoài ra, Hội nghị còn có sự tham gia và diễn thuyết của các giám đốc điều hành (CEO) từ một số công ty tốt nhất mà TPG đầu tư ở châu Á, bao gồm Trung Quốc, Isarel, Ấn Độ và Việt Nam.

Về phía nước chủ nhà, ông Madhur Maini, CEO của Masan sẽ thuyết trình về Tập đoàn Masan như là một biểu tượng thành công của khối kinh tế tư nhân, cũng như các cơ hội mở rộng trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và nhiều lĩnh vực kinh doanh khác ở Việt Nam.

Phần lớn các quỹ đầu tư tham gia hội nghị lần này đều chưa từng đặt chân đến Việt Nam. Ước tính ban đầu cho thấy, tổng số tài sản mà các quỹ tham gia Hội nghị đang quản lý trên toàn cầu có thể lên tới 1.000 tỷ USD. Đây sẽ là cơ hội đặc biệt để họ tìm hiểu về môi trường kinh doanh, cũng như cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Đánh giá cao tiềm năng ngành hàng tiêu dùng

Theo một số nguồn thạo tin, lý do khiến TPG quyết định tổ chức hội nghị đầu tư năm 2013 ở Việt Nam là vì sự phát triển đặc biệt của quỹ này, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của Masan, với tư cách là công ty Việt Nam duy nhất có mặt trong danh mục đầu tư của TPG. Tập đoàn Masan được xếp hạng là 1 trong vài công ty có mức độ tăng trưởng nhanh nhất trong danh mục toàn cầu của TPG.

Một lý do khác khiến Hội nghị được tổ chức tại Việt Nam là nhằm giới thiệu và khẳng định sự tin tưởng của TPG vào lĩnh vực hàng tiêu dùng của Việt Nam với tư cách là ngành hàng đang có cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như doanh nghiệp Việt Nam. Lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng, dựa trên một thị trường nội địa rộng lớn và còn chưa phát triển nhiều của Việt Nam, là lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có TPG, kỳ vọng là lĩnh vực có tiềm năng và sức phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

TPG cũng nhìn nhận, với tư cách là một công ty hoạt động trên quy mô toàn cầu, việc tổ chức hội nghị đầu tư tại Việt Nam sẽ phản ánh tốt hơn hoạt động đầu tư của Quỹ với hơn một nửa danh mục đầu tư là ở các thị trường đang phát triển.

Liên quan đến thương vụ đầu tư vào Tập đoàn Masan, trong 2 tháng (9 và 10 năm 2009), Masan Group phát hành trái phiếu chuyển đổi có tổng trị giá 630 tỷ đồng cho các công ty con của TPG Star L.P, một quỹ đầu tư do TPG Growth quản lý. Các trái phiếu này có thể chuyển đổi từ ngày 1/4/2011 đến ngày đáo hạn 10/11/2012. Giá chuyển đổi ban đầu xấp xỉ 20.400 đồng/cổ phần và được điều chỉnh dựa trên kết quả kinh doanh năm 2010 của Tập đoàn.

Vào tháng 6/2012, Masan Group đã có thông báo về việc chuyển đổi trái phiếu của TPG Growth. Theo đó, TPG Growth quyết định chuyển đổi toàn bộ khoản trái phiếu chuyển đổi do Masan phát hành thành cổ phiếu của MSN. Giá thị trường cổ phần Masan Group vào thời điểm đó xấp xỉ 100.000 đồng/cổ phần. Như vậy, TPG Growth đã lãi gấp gần 5 lần với khoản đầu tư này, tương đương tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) đạt xấp xỉ 80%.

Tin liên quan
Tin khác