Đầu tư
Nhà đầu tư Nhật tiếp tục đặt niềm tin vào Việt Nam
Khánh An - 07/02/2015 07:40
Doanh nghiệp Nhật Bản vẫn chọn Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng, dù lo lắng về rủi ro trong môi trường đầu tư vẫn khá lớn.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bộ trưởng Vinh chỉ cơ hội cho nhà đầu tư Nhật Bản
TP.HCM tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư Nhật Bản
Nâng cao cơ hội thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản
FDI Nhật đang hướng vào nông nghiệp
Chủ tịch Tập đoàn Forval: DN Nhật tin Việt Nam
Bình Dương đứng đầu trong thu hút vốn FDI

Theo kết quả khảo sát năm 2014 của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), có tới 66% doanh nghiệp nước này đang hoạt động tại Việt Nam muốn mở rộng hoạt động của mình trong vòng 1 - 2 năm tới. So với một số thị trường hấp dẫn trong khu vực châu Á, gồm Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Phillippines, tỷ lệ này chỉ thấp hơn Indonesia (67,3%).

Lý do chính để doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao thị trường Việt Nam là hoạt động của họ tại đây khá tốt, với 84,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát đạt mức doanh thu năm 2014 cao hơn so với năm 2013. Riêng với khối ngành sản xuất, có tới 70% doanh nghiệp được khảo sát đang nhìn thấy tiềm năng cao tại thị trường Việt Nam.

Có tới 66% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam dự kiến mở rộng hoạt động trong 1 - 2 năm tới. Ảnh: Đức Thanh

Tuy nhiên, bức tranh về môi trường đầu tư Việt Nam trong đánh giá của các doanh nghiệp Nhật Bản không hẳn toàn màu hồng.

Khi báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về khảo sát này, ông Atsusuke Kawada, Trưởng Văn phòng đại diện JETRO tại Hà Nội đã nhấn mạnh vị trí thứ 3 của Việt Nam trong số 15 quốc gia về “Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành không minh bạch”.

“Hơn 60% doanh nghiệp cho rằng, đây là vấn đề rủi ro. Cũng có tới hơn 50% doanh nghiệp lo lắng về sự phức tạp về cơ chế, thủ tục thuế”, ông Atsusuke Kawada nói khi nhắc đến những điều không rõ ràng trong nội dung văn bản, quá nhiều tài liệu phải đăng ký, chậm trễ trong hướng dẫn… khi thực thi pháp luật mà khá nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã phải đối mặt.

“Ví dụ, các quy định về phòng cháy, chữa cháy, môi trường, thanh tra thuế… dường như không có cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan và doanh nghiệp, nên doanh nghiệp rất khó ứng phó, thực thi”, ông Atsusuke Kawada liệt kê các than phiền của doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, điểm sáng mà ông Atsusuke Kawada muốn nhấn mạnh là, tất cả tỷ lệ 5 rủi ro hàng đầu trong môi trường đầu tư Việt Nam, dù vẫn còn khá cao, song đều thấp hơn so với lần khảo sát năm 2013. Chẳng hạn, rủi ro cao nhất là “Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành không mình bạch” đã giảm 7,2 điểm so với năm trước. Ở vị trí thứ hai, “Chi phí nhân công tăng” đã giảm tới 11,9 điểm… “Sự phức tạp của cơ chế, thủ tục thuế” cũng đã giảm 13,4 điểm…

“Rõ ràng, môi trường đầu tư đang tốt dần lên. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng, gồm điện, vận tải, thông tin liên lạc, đã cải thiện rất mạnh. Đây là những cơ sở để nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tăng được tỷ lệ nội địa hóa của mình tại Việt Nam”, ông Atsusuke Kawada phân tích.

Tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam năm 2014 đã được ghi nhận tăng 1 điểm phần trăm so với khảo sát năm 2013, từ 32,2% lên 33,2%. Tỷ lệ mua nguyên vật liệu nội địa của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng đã tăng thêm 2,5 điểm phần trăm so với năm trước đó, đạt mức 40%.

Tuy vậy, ông Yasuzumi, Trưởng Văn phòng đại diện JETRO tại TP.HCM cho rằng, tỷ lệ nội địa hóa vẫn khá thấp, nếu so với Trung Quốc (66%), Thái Lan (55%),

Indonesia (43%), Malaysia (41%). Đặc biệt, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn phải mua khá nhiều nguyên vật liệu từ các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

“Để nâng cao năng lực cạnh tranh về mặt chi phí, các doanh nghiệp Nhật Bản muốn tăng thu mua từ doanh nghiệp Việt Nam. Để làm được việc này, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ bằng các hình thức như cho vay lãi suất thấp, ưu đãi về thuế, đào tạo nguồn nhân lực”, ông Yasuzumi đề xuất.

Cũng phải nói thêm, đây cũng là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam đặt thêm kỳ vọng vào cơ hội của họ khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức ra đời vào cuối năm nay.

Đây cũng là một nội dung được khảo sát trong năm 2014. Riêng với thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản đang đề nghị có cải thiện nhiều hơn về thủ tục thông quan, chống đánh thuế hai lần, thống nhất cách giải thích và vận dụng quy định về quy chế xuất xứ. Đây là các nội dung Việt Nam bị xếp hàng đầu trong số các vấn đề cần phải cải thiện mà các doanh nghiệp Nhật Bản đặt ra cho các quốc gia thành viên AEC.

Tin liên quan
Tin khác