Đầu tư
Nhà đầu tư Philippines nhắm đến nông sản Việt
Hồng Sơn - 14/01/2017 19:35
Nhiều doanh nghiệp Philippines đang tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, nông sản - thực phẩm...
Nhiều doanh nghiệp Philippines đang tìm kiếm các cơ hội mở rộng kinh doanh với Việt Nam

Tại Việt Nam, các nhà đầu tư đến từ Philippines có vẻ không được nhắc đến nhiều. Thế nhưng, trong thực tế, có nhiều thương hiệu khá đình đám trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, dược phẩm… được nhiều người biết đến, chiếm lĩnh thị phần khá lớn tại thị trường Việt Nam đến từ Philippines, như Công ty Universal Robina Corporation (URC) với thương hiệu nước uống C2, hệ thống nhà hàng ăn nhanh Jolibee, Công ty dược phẩm United Pharma…

Trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã được thành lập, thị trường Việt Nam được đánh giá cao, gần đây, không ít đoàn doanh nghiệp trong khu vực đã đến nước ta tìm cơ hội. Do đó, cũng không ngạc nhiên khi giữa tuần qua, một đoàn gồm 23 doanh nghiệp Philippines thuộc Liên đoàn Các phòng thương mại và công nghiệp Hoa kiều (FFCCCII) đã đến TP.HCM tham gia Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam - Philippines và giao thương giữa doanh nghiệp hai nước.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Philippines không ngừng được củng cố và phát triển, đặc biệt kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 11/2015. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 11%/năm trong giai đoạn 2008 - 2016, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Philippines ước đạt 3,23 tỷ USD năm 2016 (tăng 10,8% so với năm 2015), trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Philippines ước đạt 2,22 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2015; nhập khẩu của Việt Nam từ Philippines đạt 1,03 tỷ, tăng 13,8% so với năm 2015.

Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương) cho biết, mục tiêu của Diễn đàn lần này là quảng bá môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, giới thiệu năng lực sản xuất và cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam tới các doanh nghiệp Philippines, cũng như tạo điều kiện giao thương trực tiếp cho các doanh nghiệp hai nước.

Thương mại Việt Nam - Philippines

Các mặt hàng xuất khẩu chính hiện nay của Việt Nam sang Philippnes là nông sản (gạo, cà phê, hạt tiêu, chè…), xi măng và clinker, sắt thép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…

Việt Nam đang nhập khẩu từ Philippnes chủ yếu là máy móc, sản phẩm điện tử và linh kiện; hóa chất; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác, hóa chất…

Ông Angel Ngu, Chủ tịch tịch Công ty Angus Aluminum, Inc. và là Chủ tịch FFCCCII cho biết, các doanh nghiệp Philippines đang tìm kiếm cơ hội từ việc thành lập AEC, trong đó, Việt Nam có sức tiêu thụ lớn, sức mua tăng cao và giá điện rẻ hơn so với Philippines. “Mặc dù đây là lần đầu đoàn tới Việt Nam, nhưng chúng tôi thấy nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông sản thực phẩm, vật liệu xây dựng, thiết bị, dụng cụ văn phòng, sản phẩm tiêu dùng”, ông Angel Ngu nói.

Ông Angel Ngu cho biết, nhiều doanh nghiệp Philippines đang tìm kiếm các cơ hội mở rộng kinh doanh với Việt Nam và kỳ vọng, trong tương lai, doanh nghiệp hai nước sẽ đẩy mạnh liên doanh để sản xuất hàng hóa cho cả thị trường ASEAN.

Ở chiều ngược lại, Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam - Philippines và giao thương lần này thu hút được sự quan tâm của rất nhiều hiệp hội, ngành hàng tại khu vực TP.HCM. Đã có hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam đến giao thương, giới thiệu sản phẩm của mình tới các nhà nhập khẩu uy tín của Philippines.

Nhiều cơ hội hợp tác đã được doanh nghiệp hai bên đề xuất trong khuôn khổ Diễn đàn, trong đó có việc đưa thực phẩm và nông sản Việt Nam vào hệ thống siêu thị của Philippines, xuất khẩu vật liệu xây dựng sang Philippines…

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM cho biết, Thành phố đang tập trung và có những ưu đãi riêng nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các nhóm ngành dịch vụ như tài chính, thương mại, vận tải - kho bãi, bưu chính - viễn thông…

“Đối với doanh nghiệp Philippines, Thành phố mong muốn và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào các dự án thuộc 7 chương trình đột phá cũng như các dự án nằm trong các nhóm ngành ưu tiên kêu gọi đầu tư”, bà Vân cho biết.

Tin liên quan
Tin khác