Đầu tư
Nhà đầu tư Singapore xin đầu tư bến cảng 114 triệu USD cho Formosa
Anh Minh - 08/05/2015 12:54
Hai bến cảng có thể đón được tàu 50.000 DWT này sẽ phục vụ bốc xếp hàng hóa, container cho Liên hợp thép Formosa, Hà Tĩnh.
Phối cảnh tổ hợp cảng biển và luyện thép Formosa tại Hà Tĩnh

 

Công ty Freight Link Capital (Singapore) vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép đầu tư 2 cầu cảng liền bờ tại vị trí bến số 5 và số 6 tại khu vực cảng Vũng Áng, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh theo hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài với thời gian thuê đất là 50 năm.

Hai bến cảng này có chiều dài cầu cảng khu bến 500 m, trên diện tích 20 ha, có thể đón được tàu trọng tải 50.000 DWT được xây dựng nhằm phục vụ bốc xếp hàng hóa tổng hợp, container cho Liên hợp thép Formosa và trong khu vực.

Tổng mức đầu tư công trình có công suất thông qua 5 triệu DWT/năm này là 2.200 tỷ đồng, tương đương 114 triệu USD do Freight Links Capital tự thu xếp.

Nhà đầu tư Singapore cho biết là chủ trương đầu tư vào Dự án đã được Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh chấp thuận.

Freight Links Capital là công ty đầu tư chứng khoán được thành lập tại Singapore với công ty mẹ là Hong Kong Marine Power. Hong Kong Marines Power được thành lập năm 1998 với phương hướng đầu tư bao gồm cảng biển, vận tải hàng hải, tài nguyên khoáng sản, logistics tổng hợp và bất động sản. Khu vực đầu tư tập trung tại Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Hong Kong Marines Power hiện chiếm 90% cổ phần Công ty Citic Logistics. Đây là công ty được thành lập năm 1997, vốn thành lập là 16,3 triệu USD là doanh nghiệp dẫn đầu tại Trung Quốc về lĩnh vực cung ứng phục vụ Logistics tổng hợp. Doanh nghiệp này chủ yếu tập trung quản lý dự án logistics, cung ứng vận tải hàng hải, tiếp vận cho nhà máy gang thép, vận tải trong ngành công nghiệp hóa chất và trang thiết bị công trình.

Theo ông Li Weimin, Chủ tịch Freight Links Capital, trong quá trình xây dựng khu Liên hợp gang thép Formosa rất cần có bến để bốc xếp hàng hóa, máy móc, thiết bị nhưng hiện tải cảng Vũng Áng chỉ có 2 bến chủ yếu phục vụ thông qua hàng hóa từ Lào.

Trong tương lai, khi các nhà máy đi vào vận hành, các bến cảng Sơn Dương vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu nên vẫn cần sự hỗ trợ từ cảng Vũng Áng.

‘Ngoài lượng hàng từ Formosa, mong muốn của chúng tôi là thu hút thêm hàng hóa từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả hàng hóa từ Lào”, ông Li Weimin cho biết.

Tin liên quan
Tin khác