Doanh nghiệp
Nhà mạng hợp tác hay chặn cửa OTT?
Hữu Tuấn - 15/12/2014 08:32
Các ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí trên di động (OTT) đang khiến các nhà mạng như Viettel, MobiFone, VinaPhone “mướt mồ hôi” tìm cửa sống.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Vì sao nhà mạng vẫn đứng ngoài nhòm ngó OTT?
Lúng túng xử lý chuyện phòng the "nhảy" vào OTT
Thu cước OTT: Bên gật, bên lắc
Viettel không coi OTT là "nguy hiểm"
OTT "cướp" doanh thu, nhà mạng tăng giá cước 3G
Nhiều quốc gia lo ngại về an ninh đối với dịch vụ OTT

Zalo, Viber, Facebook… đang “lấn sân” nhà mạng

Hoạt động từ cuối năm 2012, đến nay, Zalo (ứng dụng OTT miễn phí của Công ty cổ phần VNG) đã vượt mốc 20 triệu người dùng, với hơn 250 triệu tin nhắn mỗi ngày.

Các ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí trên di động (OTT) đang cạnh tranh quyết liệt với các nhà mạng

Viber (Israel) lặng lẽ gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2012 và chính thức vào thị trường Việt Nam từ tháng 1/2014, đến nay, cũng có khoảng 18 triệu người dùng.

4 năm trước, Facebook (Mỹ) mới chỉ có 3,2 triệu người dùng, thì nay đã có khoảng 20 triệu người dùng tại Việt Nam. Điều này có nghĩa là, gần 20 triệu người đang dùng Facebook Messenger…

Không chỉ thu hút nhanh lượng người dùng, mà các ứng dụng này đều có dịch vụ gọi điện, nhắn tin miễn phí đánh đúng vào doanh thu lõi của các nhà mạng.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Công nghệ VietPace nhận xét, nếu xét về 3 nguồn thu cơ bản của nhà mạng thì bắt đầu xuất hiện thêm các đối thủ mới, tuy nhỏ, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điển hình trong nhóm này là Zalo của VNG hiện có 20 triệu thuê bao chỉ sau hơn 3 năm phát triển với mức đầu tư thấp; trong khi nhà mạng phải mất hơn 15 năm mới có được số thuê bao tương tự.

“Về thoại, tin nhắn, chúng ta thấy nhà mạng phải đối mặt với 5 đối thủ nước ngoài là Microsoft, Viber, Google, Apple và cả Facebook. Mỗi đối thủ mới có một đặc điểm riêng: hoặc miễn phí thoại, tin nhắn để phá hủy nguồn thu lõi nhằm khiến nhà mạng suy yếu, hoặc cũng kinh doanh thu phí dịch vụ thoại, tin nhắn cạnh tranh trực tiếp với nhà mạng”, ông Việt nhận xét.

Năm 2013, doanh thu từ dịch vụ thoại của nhà mạng bị giảm 3 - 4% và doanh thu từ dịch vụ tin nhắn giảm 10 - 12% mà một trong những nguyên nhân bắt nguồn từ sự phát triển của các dịch vụ OTT.

Bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận xét, trong khi các DN viễn thông truyền thống như Viettel, MobiFone, VinaPhone luôn vật vã với bài toán đầu tư hạ tầng, kết nối, dùng chung và phải thực hiện các nghĩa vụ khác, thì các DN cung cấp dịch vụ OTT chỉ cần… Internet và smartphone.

 “OTT đang cạnh tranh bất bình đẳng, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông”, bà Mơ nhấn mạnh.

Hợp tác hay “chặn cửa”?

Vấn đề đặt ra với các nhà mạng hiện nay là, làm sao để không giảm doanh thu, không “chết” vì OTT. Vậy, nhà mạng hợp tác hay dùng hạ tầng 3G để “chặn cửa” ngăn hoạt động của ứng dụng OTT?

Trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cho biết, mới đầu, các dịnh vụ OTT gây sụt giảm doanh thu của nhà mạng khiến Viettel “choáng”, nhưng sau đó, chính OTT đã làm Viettel “tỉnh ngủ”. “Lâu nay, doanh thu từ thoại vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của Viettel, nhưng trong cuộc đua mới, nếu không làm khác, Viettel sẽ chết. Điều này xuất hiện trong suy nghĩ của Viettel, khi Viber cung cấp dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí, khiến doanh thu ngành viễn thông giảm mạnh”, ông Hùng cho biết.

Vì vậy, Viettel tung ra chiến lược mới là đưa viễn thông, công nghệ thông tin vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, để bù đắp doanh thu từ thoại. Đặc biệt, Viettel đầu tư vào các ứng dụng riêng cho giáo dục, y tế, đời sống người dân.

Ông Hùng cũng đưa ra lời khuyên với các nhà mạng là nên coi việc hợp tác với những dịch vụ OTT là cơ hội kinh doanh thực sự. Với số lượng người dùng lớn mà các nhà mạng hiện có, việc bắt tay với OTT sẽ có thể tạo ra 70% doanh thu đến từ các dịch vụ kinh doanh cũng như phí dữ liệu.

Một số doanh nghiệp OTT cho biết, bản thân các DN OTT cũng rất muốn hợp tác với nhà mạng hình thành nên gói cước có chất lượng cao và cùng ăn chia theo tỷ lệ nhất định. Bởi nhà mạng bán được gói cước data có giá trị cao, dịch vụ OTT đảm bảo được chất lượng và thu hút, phát triển thuê bao có giá trị cao cho nhà mạng. Tuy nhiên, cần điều chỉnh như thế nào để hạn chế quyền chặn dịch vụ OTT của nhà mạng. Hiện, các nhà mạng như Viettel, MobiFone, VinaPhone cũng đã lên nhiều phương án hợp tác, tự làm dịch vụ OTT.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, các nhà mạng đã sẵn sàng và có thể cung cấp dịch vụ OTT ra thị trường. Song theo tiết lộ của các nhà mạng, hiện tại chưa phải là thời điểm để họ tung dịch vụ OTT ra thị trường.

Tin liên quan
Tin khác