Viễn thông - Công nghệ
Nhà mạng "khai tử" đối tác cung cấp nội dung vi phạm
Hữu Tuấn - 04/10/2016 06:47
Trong một diễn biến mới sau vụ Công ty Sam Media tự ý kích hoạt dịch vụ, thu hơn 230 tỷ đồng trái ý muốn của khách hàng, các nhà mạng đã kiên quyết dừng hợp tác với hàng chục CP (Content provider - nhà cung cấp nội dung).

Vì sao nhà mạng bị CP “qua mặt”?

Ngay sau sự cố hơn 94.000 khách hàng của 4 nhà mạng ở Việt Nam là Viettel, MobiFone, VinaPhone, Vietnammobile không biết mình bị trừ tiền do hoạt động trái phép của Công ty Sam Media, các nhà mạng đã rà soát lại các hoạt động hợp tác với các công ty CP cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng.

Cũng cần phải nói thêm rằng, việc nhà mạng hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng CP là hoạt động kinh doanh bình thường. Theo đó, các nhà mạng cung cấp hạ tầng tần số, đầu số, còn các công ty CP sản xuất, khai thác, kinh doanh trên nền tảng đó và chia lợi nhuận theo thỏa thuận.

Các nhà mạng đã lập tức tiến hành rà soát, xử lý đối với hệ thống CP của mình.

Ước tính, tại Việt Nam có hàng trăm CP hoạt động theo phương thức này. Theo quy định, hàng tháng các CP phải gửi kịch bản nhắn tin và nội dung dịch vụ để nhà mạng kiểm duyệt, đảm bảo ngăn chặn các nội dung lừa đảo, mê tín. Mặc dù có ràng buộc chặt chẽ trong các hợp đồng hợp tác, nhưng một số CP vẫn cố tình vi phạm, cung cấp các nội dung không qua kiểm duyệt.

Nhà mạng đồng loạt “trảm” CP

Ngay sau khi sự việc bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phát hiện và xử phạt Sam Media, các nhà mạng đã lập tức tiến hành rà soát, xử lý đối với hệ thống CP của mình.

Tại MobiFone, nhà mạng có sự hợp tác với hơn 240 CP đã soát xét hợp đồng, quy trình hợp tác và đưa ra các hình thức xử lý nghiêm với các CP vi phạm hợp đồng. Theo đó, đã có 30 dịch vụ hợp tác với 23 doanh nghiệp bị MobiFone “khai tử” tính từ đầu năm 2016 đến thời điểm này. MobiFone đã dừng hợp tác, hủy dịch vụ cho các thuê bao đăng ký sai quy định hoặc dừng kết nối dịch vụ. Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng đã bị thiệt hại, MobiFone sẽ tiến hành hủy dịch vụ đã bị đăng ký và hoàn cước cho khách hàng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc MobiFone cho biết, MobiFone chưa và sẽ không bao giờ cho phép các CP vì lợi nhuận mà xâm phạm tới quyền lợi khách hàng. Nhà mạng sẵn sàng cắt và kiên quyết dừng hợp tác với CP vi phạm để bảo vệ quyền lợi cho hơn 40 triệu khách hàng của mình.

Được biết, ngay cả trước khi sự cố này xảy ra, MobiFone cũng đã “siết” rất chặt các hoạt động của CP. Theo đó, có rất nhiều CP vi phạm nội dung cung cấp đã bị MobiFone phạt hàng chục triệu đồng/lỗi. CP vi phạm lỗi nội dung nhiều lần đã bị cắt đầu số và thanh lý hợp đồng.

Cũng trong một động thái mới, VinaPhone vừa công bố đã tạm dừng hợp tác không xác định thời hạn với cả 3 đối tác của Sam Media và thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh của khách hàng về việc đăng ký các dịch vụ không mong muốn. Đồng thời, VinaPhone tuyên bố sẽ quyết liệt xử lý các đối tác vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

“Ngay sau khi nhận được thông tin về việc xử phạt Công ty Sam Media, VinaPhone quyết định tạm dừng hợp tác với cả 3 đối tác hợp tác của Sam Media là Gapit, Acom, VMG để điều tra làm rõ những vi phạm trong việc cung cấp dịch vụ”, bà Nguyễn Thị Tường Vân, phụ trách truyền thông của VinaPhone cho hay.

Còn đại diện của Viettel cũng cho biết, đã quyết định dừng mọi hợp tác với Công ty ACOM (công ty cung cấp dịch vụ của SAM Media trên các mạng di động ở Việt Nam). Đồng thời, Viettel đã lập tức nhắn tin đề nghị khách hàng đang sử dụng dịch vụ của ACOM đăng ký lại nếu vẫn có nhu cầu, tất cả các khách hàng không nhắn tin xác nhận đồng ý sử dụng tiếp, Viettel sẽ hủy dịch vụ cho khách hàng.

Qua việc xử lý sự cố Sam Media, có thể thấy, các nhà mạng đã có thái độ cầu thị, nỗ lực để khắc phục hậu quả, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Bởi hơn ai hết, trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt, khách hàng là thượng đế, bảo vệ quyền lợi cho hàng chục triệu khách hàng hay chỉ một số tiền nhỏ ăn chia được từ CP, bên nào nặng, bên nào nhẹ, nhà mạng hiểu và biết phải làm gì.

Tin liên quan
Tin khác