Đầu tư
Nhà máy alumin Nhân Cơ: Cuối năm 2015 ra sản phẩm
Thanh Hương - 09/02/2015 17:01
Vào quí IV/2015, Nhà máy alumin Nhân Cơ sẽ ra sản phẩm alumin và chuẩn bị các điều kiện để bàn giao đưa nhà máy vào sản xuất.  
TIN LIÊN QUAN

Có quy mô công suất thiết kế 650.000 tấn alumin/năm, do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) là chủ đầu tư, Dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ hiện đã hoàn thành khoảng trên 90% khối lượng công việc và đang gấp rút hoàn thành công tác đầu tư xây dựng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc tại Dự án Alumin Nhân Cơ. Ảnh: Trọng Đạt

Tổng mức đầu tư của dự án là 16.821 tỷ đồng và hiện khối lượng công việc đã thực hiện tới hết tháng 1/2015 là 13.426,5 tỷ đồng, đạt 79,8%.

Gói thầu EPC Nhà máy alumin Nhân Cơ do nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) thực hiện đã đạt khoảng 89,3%. Hiện nhà thầu đang tập trung cao độ cho tiến độ khu nhà máy nhiệt điện và trạm điện 110 KV, là hai khu vực cần đẩy nhanh tiến độ thi công. Nhà thầu đã vận chuyển được trên 95,0% khối lượng thiết bị về đến công trường và đang thực hiện lắp đặt thiết bị cho các hạng mục công trình, đạt khoảng 91,0%. Tổng giá trị đã thực hiện đến hết tháng 01/2015 đạt khoảng 90,6% tổng giá trị hợp đồng EPC.

Tại gói thầu EPC Nhà máy tuyển quặng và tuyến băng tải do nhà thầu trong nước thực hiện đã cơ bản hoàn thành thi công phần xây dựng, đạt khoảng 95,0%. Giá trị gói thầu 889 tỷ đồng, đã thực hiện 850 tỷ đồng.

Các hạng mục chính của gói thầu đã thi công xong và cơ bản đã vận hành thử đơn động, sẵn sàng đưa vào vận hành liên động và chạy có tải ra sản phẩm.

Một công trình khác cũng được dư luận quan tâm là hồ bùn đỏ hiện đang được nhà thầu trong nước đang tiến hành thi công hoàn thiện các công đoạn cuối cùng. Dự kiến tháng 4/2015 sẽ hoàn thành công tác xây dựng để phục vụ cho việc chạy thử bằng nước của Nhà máy alumin và hết tháng 6/2015 sẽ hoàn thành toàn bộ công trình để phục vụ cho việc chạy thử có tải của nhà máy alumin.

Hồ chứa bùn sau tuyển rửa đang được nhà thầu đang thi công đắp đập và thi công đập tràn. Dự kiến hết tháng 3/2015 sẽ hoàn thành công tác xây dựng để chứa bùn phục vụ chạy thử và vận hành của nhà máy tuyển.

Hiện hệ thống cấp điện 110kV phục vụ sản xuất nhà máy Alumin đã hoàn thành thi công xây dựng tuyến đường điện 110kV nối từ lưới điện 110kV Quốc gia hiện có trong khu vực vào nhà máy alumin. Vào tháng 3/2015 sẽ có điện chạy thử có tải nhà máy tuyển và nhà máy alumin.

Đối với nguyên liệu bauxit, hiện Vinacomin đã thu hồi được trên 1,5 triệu tấn quặng bauxit nguyên khai, đủ để phục vụ công tác chạy thử và một phần chạy sản xuất của nhà máy tuyển và Nhà máy alumin của dự án.

Vinacomin cũng đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xin cấp phép khai thác mỏ với diện tích khoảng 2.000 ha. Tuy nhiên trong phạm vi này có 404,4 ha diện tích khai thác mỏ thuộc vùng tạm cấm hoạt động khoáng sản (theo Quyết định số 534/QĐ-UBND ngày 10/4/2014 của UBND tỉnh Đăk Nông) đã được Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đăk Nông đồng ý điều chỉnh diện tích này ra khỏi vùng tạm cấm hoạt động khoáng sản.

Tổng số lao động cần tuyển dụng của dự án khoảng 1.400 người. Tính đến tháng 01/2015, tổng số lao động hiện có và đã được Vinacomin đào tạo là  905 người. Trong số lao động trên có 560 lao động trên địa bàn, 39 lao động người dân tộc. Cũng có 462 lao động không do Vinacomin đào tạo nhưng đã nộp hồ sơ để tuyển dụng theo tiến độ dự án. Phần lớn số lao động đã tuyển dụng để vận hành Nhà máy alumin và Nhà máy tuyển đã được đưa sang thực tập tại Dự án Tân Rai, để đào tạo chuyển giao công nghệ theo chương trình đào tạo của các Nhà thầu EPC.

Tính đến tháng 01/2015, diện tích đã đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án là 640 ha với chi phí gần 344 tỷ đồng, số hộ dân bồi thường thu hồi đất là 889 hộ. Số hộ đủ điều kiện tái định cư bước đầu xác định là 96 hộ. Ban QLDA đã phối hợp với chính quyền địa phương bố trí 29 lô đất tái định cư cho các hộ có nhu cầu sử dụng đất tái định cư và đang giải quyết tiếp cho các hộ dân còn lại theo nhu cầu.

Theo kế hoạch, quí III/2015 sẽ chạy thử liên động và chạy thử có tải toàn bộ Nhà máy Alumin và cuối quý IV/2015 sẽ ra sản phẩm alumin.

Sau khi Dự án Alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động, ngoài xuất khẩu giai đoạn đầu, sản phẩm alumin sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào của Nhà máy điện phân nhôm thuộc Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân ngay liền kề.

Nhà máy luyện nhôm Trần Hồng Quân có công suất 450.000 tấn nhôm thỏi/năm, với quy mô đầu tư 665 triệu USD được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 có công suất 150.000 tấn/năm sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2017.

Công nghệ luyện nhôm được lựa chọn là công nghệ điện phân sử dụng dòng điện 500 kA do Tập đoàn Rio Tinto (AP) của Pháp cung cấp. Đây là Tập đoàn có lịch sự phát triển lâu đời và uy tín nhất thế giới trong lĩnh vực điện phân nhôm. Cùng với việc lựa chọn công nghệ AP, Công ty Trần Hồng Quân đã cùng với Tập đoàn ACE (Mỹ) lựa chọn ra các nhà thầu EPC uy tín, tin cậy và đáp ứng đuợc các yêu cầu khắt khe về công nghệ. Tất cả các nhà thầu đuợc lựa chọn như: Alstom, Solios, Rio Tinto, Metaltech…đều từ các nước châu Âu. Việc đàm phán thống nhất và ký kết hợp đồng với các nhà thầu EPC nước ngoài cũng như các nhà thầu trong nước tới nay đã hoàn tất. 

Dự án điện phân nhôm đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao tại Quyết định số 1774/QĐ-BKHCN ngày 16/7/2014.

Trong dự án này khối lượng công việc do các nhà thầu Việt Nam đảm nhiệm thực hiện vào khoảng 3.700 tỷ đồng.

Nhấn mạnh việc sản xuất ra alumin chất lượng tốt, giá cả xuất khẩu cao hơn so với khi lập dự án lập, môi trường hoàn toàn giải quyết được, an toàn, thậm chí bùn đỏ còn là như của để dành để sản xuất ra sắt trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cũng rất vui mừng với dự án điện phân nhôm đang được triển khai khẩn trương. "Đã có nhà đầu tư gặp tôi nói rằng sẽ đầu tư dây chuyền sản xuất vành ô tô từ nhôm lỏng được sản xuất ra tại Đắc Nông", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy alumin Nhân Cơ do Vinacomin đầu tư, Nhà máy luyện nhôm do Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân đầu tư khi đi vào vận hành sẽ tạo ra ngành công nghiệp hoàn toàn mới tại Việt Nam từ khai thác quặng bauxit đến chế biến ra alumin rồi tới điện phân để có được nhôm kim loại. Đồng thời còn mở ra cơ hội cho hàng loạt dự án dùng tới nhôm đầu tư tại Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Thực tế này không chỉ góp phần hạn chế xuất khẩu tài nguyên khoáng sản thô mà còn có ý nghĩa không nhỏ trong việc đổi diện mạo của Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững.

Tin liên quan
Tin khác