Nhà máy Bio Ethanol Dung Quất có vốn gần 1.900 tỷ đồng, công suất 100 triệu lít ethanol/năm, được đưa vào vận hành thương mại tháng 2/2012. Một năm sau, do kinh doanh không hiệu quả, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã giao nhà máy nhiên liệu sinh học Bio- Ethanol Dung Quất về Công ty TNHH MTV lọc- hóa dầu Bình Sơn quản lý, vận hành.
Do nguồn cung ra thị trường cho việc phối trộn để cho ra chủng loại xăng Ron92 E5 thấp, nhà máy Bio-Enthanol phải tạm ngừng sản xuất. |
Vị lãnh đạo Công ty này cũng cho hay, Bio- Ethanol dùng phối trộn với xăng A92 tạo thành sản phẩm xăng E5 đưa ra thị trường tiêu thụ góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên do nguồn cung không ổn định, chi phí sản xuất cao nên nhà máy buộc tạm dừng hoạt động. Bên cạnh đó, giá bán ethanol trên thị trường thấp hơn 2.000 đồng mỗi lít so với giá thành sản xuất. Nhà máy hoạt động cầm chừng dẫn đến chi phí tiêu hao nguyên liệu càng tăng. Hệ quả là kinh doanh thua lỗ nên tạm dừng sản xuất.
Nhà máy ngừng hoạt động, 128 kỹ sư, công nhân nghỉ chờ việc không lương từ giữa tháng 3/2016. 50 nhân sự được giữ lại để bảo quản, thanh quyết toán công trình tiêu tốn tiền bảo dưỡng, lương và bảo hiểm 2 tỷ đồng mỗi tháng. Ngoài ra, Công ty CP Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung đã ký hợp đồng với Công ty TNHH lọc - hóa dầu Bình Sơn cung ứng 38 kỹ sư, công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu Dung Quất để để chờ động thái tiếp theo từ Nhà máy. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3/2016, nhà máy Bio Ethanol Dung Quất vẫn chưa có kế hoạch tái sản xuất vì chờ thị trường, hỗ trợ cơ chế chính sách.
Được biết, trước tình hình trên, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương báo cáo, chủ động lấy ý kiến các cơ quan chức năng, tham mưu cho tỉnh về cơ chế thuế, việc tiếp tục cho vay vốn, khoanh nợ, giãn nợ, tái cơ cấu và các cơ chế tài chính khác để tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Thủ tướng xem xét, giải quyết.