Doanh nghiệp
Nhà sáng lập Co Salon Nguyễn Hoài Nam: Kiến tạo không gian làm việc chung cho các nhà tạo mẫu tóc
Thu Phương - 27/06/2019 09:35
Xây dựng Co Salon, Nguyễn Hoài Nam kỳ vọng tạo ra không gian làm việc chung cho các nhà tạo mẫu tóc, nhằm tối giản chi phí và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nguyễn Hoài Nam, Nhà sáng lập Co Salon

Mong muốn tạo ra nhiều giá trị cho xã hội

Hiện Co Salon có 3 cơ sở tại Hà Nội, thu hút được nhiều salon tóc (cửa hàng thời trang tóc) và các nhà tạo mẫu tóc tham gia. Nhưng ít người biết, trước khi sáng lập Co Salon, Nguyễn Hoài Nam đã từng khởi nghiệp ở những lĩnh vực khác nhau.

Tốt nghiệp Trường đại học Ngoại thương Hà Nội, Nguyễn Hoài Nam từng có thời gian làm ở các công ty đa quốc gia với mức lương ổn định, song anh vẫn luôn trăn trở, muốn làm điều gì đó khác biệt, mang lại nhiều giá trị hơn cho xã hội.

Thời điểm năm 2012, khi thực phẩm “bẩn” bắt đầu trở thành một vấn nạn, Nam quyết định dấn thân vào nông nghiệp. Tuy nhiên, anh cũng không biết nên bắt đầu từ đâu.

“Do không có nền tảng kiến thức về sản xuất nông nghiệp, nên tôi chọn khâu phân phối. Tìm hiểu một số kênh phân phối, tôi nhận thấy, mô hình cửa hàng thực phẩm sạch tiện lợi với quy mô nhỏ chỉ từ 80 - 150 m2 có thể đi được vào ngõ ngách dân cư, nhưng vẫn có thể cung cấp thực phẩm đa dạng, đảm bảo tươi ngon. Vì vậy, tôi quyết định khởi nghiệp với mô hình này”, Nam chia sẻ.

Năm 2013, Nam cùng với hai người bạn phát triển chuỗi thực phẩm sạch Sói biển. Phù hợp với xu hướng tiêu dùng, Sói biển ngay lập tức phát triển “thần tốc”. Đến cuối năm 2017, Sói biển có gần 20 cửa hàng, doanh thu của chuỗi trung bình đạt 400 triệu đồng/ngày.

Khi hoạt động của Sói biển đi vào quỹ đạo, Nam lại muốn khởi động dự án khác. Năm 2018, anh hợp tác với các cộng sự để triển khai dự án logistics mang tên Shippo, chuyên cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà cho các công ty bán hàng online, chuỗi cửa hàng…

Lý do, đơn giản là Nam muốn làm một dự án gắn với công nghệ. Shipo vận dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và sự phát triển của thương mại điện tử. Sau 1 năm ra mắt, quy mô của Shipo tăng gấp 3 lần về nhân sự và đạt gần 3.000 đơn hàng mỗi ngày.

Ứng dụng kinh tế chia sẻ, tối ưu chi phí cho đối tác

Không dừng lại tại đó, Nguyễn Hoài Nam tiếp tục nối dài hành trình khởi nghiệp của mình với mô hình co-working salon space (không gian làm việc chung của các salon) mang tên Co Salon. 

Ý tưởng về Co Salon đến với Nam rất tình cờ. Một người bạn Trung Quốc của Nam muốn mở salon riêng, nhưng gặp khó khăn về mặt pháp lý. Quá trình giúp đỡ bạn mở salon tại Hà Nội, Nam nhận thấy, mở salon khá tốn kém, sau đó phải quản lý rất vất vả, mà có thể không đạt hiệu quả kinh tế cao.

“Tôi nghĩ, những người muốn đầu tư salon tóc có thể cùng vào 1 trung tâm để hoạt động, có mặt bằng đẹp, salon quy mô, đảm bảo đầy đủ máy móc... Như vậy, sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư ban đầu cũng như các chi phí hàng tháng như lễ tân, thợ phụ...”, Nam phân tích.

Để triển khai ý tưởng này, Nam trực tiếp sang Trung Quốc để tìm hiểu mô hình co-working salon space với chuỗi Pumpkin Coach gồm 150 cửa hàng. Anh cũng nghiên cứu mô hình của Sola Salon với 400 cửa hàng trên toàn nước Mỹ.

Mô hình Co Salon được Nam xây dựng là không gian làm việc chung cho các salon và nhà tạo mẫu tóc. Co Salon đầu tư mặt bằng, thiết kế, quảng cáo, trang thiết bị dụng cụ, hệ thống phần mềm quản lý... Các nhà tạo mẫu tóc có thể thuê lại đầu ghế làm việc trong Co Salon và làm chủ doanh thu của mình.

Co Salon đang chứng tỏ sức hút từ mô hình độc đáo, tối ưu nhiều giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nguyễn Hoài Nam cho biết, tới đây, ngoài 3 cơ sở tại Hà Nội, Co Salon sẽ mở rộng thêm một số cơ sở và sẽ phát triển app trên điện thoại để khách hàng thuận tiện đặt lịch online… Anh cũng “bật mí”, Co Salon sẽ tham gia gọi vốn trong Chương trình Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ.

Trò chuyện cùng Nguyễn Hoài Nam:

Trong các dự án khởi nghiệp, có khi nào anh bất đồng với các thành viên sáng lập?

Khi làm start-up, việc bất đồng quan điểm giữa các thành viên là điều bình thường. Theo tôi, bất đồng có hai loại là bất đồng về lợi ích và bất đồng về quan điểm. Tôi tin rằng, chúng tôi có thể có cả bất đồng về lợi ích và quan điểm trong ngắn hạn, nhưng khi có chung mục tiêu và niềm tin về hệ giá trị sống, thì mọi bất đồng sẽ sớm giải quyết được.

Anh có kinh nghiệm gì cho các bạn trẻ khởi khiệp đi sau?

Tôi nghĩ, các bạn không nên bốc đồng, cảm tính, đua theo phong trào khởi nghiệp, mà phải hiểu thực sự năng lực, trình độ, nền tảng… của bản thân để đặt mục tiêu vừa tầm.

Tin liên quan
Tin khác