Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Độc giả Nguyễn Kim Khánh Trân (tỉnh Lâm Đồng) đặt câu hỏi như sau: Công ty tôi vừa qua có tham dự gói thầu xây dựng công trình: Xây dựng đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, cấp điện cho khu quy hoạch dân cư, quy mô công trình cấp 4.
Trong hồ sơ mời thầu yêu cầu năng lực của nhà thầu có giấy đăng ký kinh doanh và các hợp đồng tương tự cho từng hạng mục: Đường giao thông, cấp thoát nước, cấp điện. Hồ sơ không yêu cầu nhà thầu có chứng chỉ năng lực hoạt động cho từng hạng mục.
Công ty tôi đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của hồ sơ mời thầu như: Giấy đăng ký kinh doanh của công ty có mã mục: Xây dựng công trình dân dụng, giao thông, cấp thoát nước, cấp điện; Các hợp đồng tương tự đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo hồ sơ mời thầu; Công ty có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng 3: Xây dựng công trình đường giao thông; Xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật; Xây dựng công trình thuỷ lợi… Về năng lực cán bộ Công ty có cán bộ đủ điều kiện năng lực cho từng hạng mục.
Kết quả xét thầu Công ty tôi bị loại vì không có chứng chỉ năng lực xây dựng điện. Trong khi hồ sơ mời thầu không nêu điều kiện phải có chứng chỉ năng lực xây dựng điện. Chỉ yêu cầu 3 hợp đồng tương tự mỗi hợp đồng có giá trị 300 triệu đồng
Xin hỏi, Công ty tôi bị loại như vậy là đúng hay sai?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Khoản 1, Điều 3 Luật Đấu thầu quy định hoạt động đấu thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Khoản 1, Điều 15 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu, căn cứ vào hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.
Theo đó, việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải tuân thủ theo quy định nêu trên và thuộc trách nhiệm của tổ chuyên gia, bên mời thầu.
Trường hợp thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu có quyền kiến nghị với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, về kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy trình giải quyết kiến nghị quy định tại Điều 92 Luật Đấu thầu hoặc khởi kiện ra Tòa án vào bất kỳ thời gian nào (Khoản 1 Điều 91 Luật Đấu thầu).