Theo đó, trong số 475 nhà thầu được đánh giá có 383 nhà thầu xây lắp đáp ứng yêu cầu (đạt 80,63%); 35 nhà thầu trung bình (7,37%); 57 nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu (12%).
Cienco8 là nhà thầu liên tiếp bị xếp loại chưa đạt yêu cầu |
Trong số 57 nhà thầu bị báo động đỏ về “sức khỏe”, ngoài một số nhà thầu nhỏ ở địa phương, có sự xuất hiện của một số đơn vị có thương hiệu lớn của Bộ GTVT, như Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8), Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco); Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex); Công ty TNHH Dịch vụ thương mại sản xuất xây dựng Đông Mê kong…
Đây là những nhà thầu dính 6 lỗi/1 gói thầu hoặc dính 21 lỗi trên tất cả các gói thầu hoặc có lớn hơn 1 vi phạm trong các gói thầu. Trong số này, Vinaconex và Cienco8 là những đơn vị có 2 năm liên tiếp bị xếp vào loại chưa đáp ứng được yêu cầu.
Điều đáng báo động là trong danh sách báo động đỏ, có khá nhiều nhà thầu quốc tế đang nhận thầu các dự án giao thông quy mô vốn rất lớn như: Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc thi công Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông; Công ty Xây dựng Quảng Tây; Tổng công ty cầu đường Trung Quốc; Keangnam, Posco (Hàn Quốc) thi công Dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; Hanshin (Hàn Quốc) thi công Dự án đường cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông, kết quả đánh giá thực hiện của nhà thầu xây lắp là một trong các thông tin để tham khảo xem xét trong quá trình lựa chọn nhà thầu xây lắp đối với các dự án đầu tư.
Đối với các nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu nhưng chưa đến mức phải chấm dứt hợp đồng, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phải có biện pháp xử lý nhà thầu theo thẩm quyền để khắc phục kịp thời, không làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ gói thầu, dự án.