Trong bối cảnh thị trường âm nhạc Việt chưa có nhiều ràng buộc về bản quyền như hiện nay, chỉ với một file .mp3, người nghe nhạc có thể copy thành hàng trăm, hàng nghìn bản hoàn toàn miễn phí. Cũng vì thế, hiếm người chọn mua CD và nghe nhạc theo cách xưa cũ này.
Được biết đến với nhiều sáng tạo, cách tân trong âm nhạc cùng bản lĩnh hơn 30 hoạt động nghệ thuật, mới đây diva Hồng Nhung vừa công bố sẽ ra mắt CD vào 16/12, sau một thời gian dài vắng bóng. Sản phẩm âm nhạc mới nhất của cô và đồng nghiệp có tên “Phố à phố ơi”, được đặt theo tên ca khúc chủ đề do nhạc sĩ Lưu Hà An sáng tác.
Trước thềm ra mắt CD mới, “cô Bống” đã có buổi “dốc bầu tâm sự” với nhiều suy nghĩ, chiêm nghiệm về nghề, về Hà Nội và về lý do ra CD chứ không phải một sản phẩm nhạc số nào khác.
Hoạt động nghệ thuật hơn 30 năm qua và chứng kiến nhiều thay đổi của nền âm nhạc Việt, chị nghĩ sao về thị trường băng đĩa Việt Nam hiện nay?
Chúng ta đang ở trong thế giới phẳng, mọi thứ đều có trên internet nên chỉ cần mua một gói của iTune hay các trang nhạc khác, bạn có thể nghe mọi thứ. Việt Nam giờ cũng không khác nhiều, tức là ca sĩ ra đĩa sẽ khó bán.
Gần đây có nhiều bài báo cho rằng các nghệ sĩ ra CD là bước đi dũng cảm. Đó là câu nói hài hước nhưng cũng rất thật. Trước đây, nhiều hãng sản xuất băng đĩa như Kim Lợi, hãng phim Trẻ, Phương Nam... trả tiền cho ca sĩ để thu thanh, có khi lên tới 50-100 bài, làm đĩa bán lấy lời. Ca sĩ tự làm và phát hành CD còn lời nữa. Nhưng thời ấy qua rất lâu rồi bởi giờ hiếm người còn mua CD bản hard copy.
Thêm nữa, giờ làm được một đĩa master (đĩa gốc) giá thành khá cao, lại khó bán nên họ dùng từ “dũng cảm” cũng đúng.
Biết là khó vậy, tại sao chị vẫn quyết định ra CD?
Tôi làm CD để gửi tới người nghe những tác phẩm mới, chứ không đặt nặng vấn đề kinh doanh. Với tôi, một tập hợp tác phẩm mới sâu sắc hơn nhiều so với làm MV tung lên mạng. Làm MV cũng phải bỏ nhiều kinh phí, nhưng việc đó chỉ giới thiệu được hình ảnh và một bài hát đơn độc.
Làm CD dày công hơn nhiều. Như trong "Phố à phố ơi" có tới 11 bài hát, nhiều bài được viết riêng cho tôi, đồng thời phải chọn bài sao cho cùng một chủ đề chứ không đơn giản là cóp nhặt cho đủ 11 bài. Tức là CD đòi hỏi sự đầu tư về mặt trí tuệ, từ âm nhạc, kịch bản đến thông điệp xuyên suốt.
Chị có nghĩ CD này khi ra mắt sẽ tạo sự thay đổi hay khác biệt gì trong thị trường âm nhạc bây giờ?
Tôi không dám hy vọng tạo ra thay đổi, bởi để thay đổi cần một làn sóng chứ không chỉ một CD đơn lẻ. Nhưng để tạo ra khác biệt thì chắc chắn, bởi đây là CD được đầu tư cao về mọi mặt.
Về nội dung, tôi có ê-kíp Lưu Hà An, Hoài Sa, Cao Trung Hiếu cùng viết kịch bản để ra được một thông điệp chung. Các ca khúc trong CD không chỉ viết về Hà Nội mà còn là nhân sinh quan của những người sống nơi đây, những người đã đến và yêu cũng có thể giữ Hà Nội vào trong tim mình.
Cá nhân chị thấy việc thưởng thức nhạc số và nhạc qua CD khác nhau như nào?
Nghe nhạc số cũng tốt mà. Nhưng cũng có nhiều người như tôi, vẫn thích chút gì đó lãng mạn. CD có được nét lãng mạn đó. Tức là ngoài nhạc số, người ta vẫn có thể nghe qua nhiều hình thức khác. Họ có những CD yêu thích được giữ trên kệ đĩa của mình. Tôi hy vọng "Phố à phố ơi" sẽ là một CD mà người hâm mộ rất tâm đắc, không chỉ để nghe mà còn để giữ trên kệ đĩa.
Dự kiến ra mắt từ khi Hà Nội đương thu, nhưng phải đến giữa tháng 12, “Phố à phố ơi” mới chính thức được giới thiệu. Chị và ê-kíp đã gặp phải những khó khăn gì?
Hà Nội vốn không phải là một chủ đề dễ và có thể thực hiện theo kiểu hứng thì làm. Không chỉ mang trong đó tâm tư của người thực hiện mà “Phố à phố ơi” còn vẽ nên cả một bức tranh về Hà Nội, mang nặng không chỉ một mảnh đất của những ký ức mà còn của những thay đổi lúc giao thời.
Có nhiều bài hát mới được giới thiệu trong CD của Lưu Hà An, Thanh Bùi. Vũ Cát tường cũng góp giọng với một sáng tác chung của hai cô trò mang tên “Tôi, xưa nay, Hà Nội”.
“Phố à phố ơi” mang tâm tư của một người con Hà Nội tới khán giả |
“Đứa con chung” này có phải là ca khúc chị hài lòng nhất trong CD?
Chắc chắn rồi. Ca khúc này mang một thông điệp hơi khác so với những ca khúc còn lại. “Tôi, xưa nay, Hà Nội” được sáng tác và hát bởi 2 người. Một là người Hà Nội hát về quê hương của mình với ký ức quá khứ và tình yêu hôm nay, một là người không sinh ra ở Hà Nội nhưng biết đến mảnh đất này qua thơ ca. Và rồi khi đến Hà Nội, người ấy bỗng thấy Hà Nội như đã ở trong tim, đã trở thành quê hương thứ hai của mình.
2 cô trò chúng tôi đã cùng hòa giọng, hát về một Hà Nội ký ức, Hà Nội giao thời, Hà Nội hôm nay với 2 tâm tư tình cảm như vậy.
Đã 10 năm kể từ khi “Đoản khúc thu Hà Nội” - CD đầu tiên về Hà Nội của chị được ra mắt. Vậy “Phố à phố ơi” khác thế nào so với “người anh chị” này?
Khác nhiều chứ! Thứ nhất là âm nhạc. Nếu “Đoản khúc thu Hà Nội” là âm nhạc trữ tình của những năm 1990 thì “Phố à phố ơi” là âm nhạc của ngày hôm nay. Về bài hát, CD trước là tập hợp những bài hát của các nhạc sĩ gạo cội - những bậc cha chú của tôi. Còn “Phố à phố ơi” lại giới thiệu những ca khúc được viết bởi các tác giả rất trẻ, là đồng nghiệp, thậm chí học trò của tôi.
Cuối cùng, “Đoản khúc thu Hà Nội” là những bài hát viết cho Hà Nội, tôi xin được hát với tâm tư của một người con hướng về quê hương. Còn với sản phẩm lần này, hầu hết bài hát là viết riêng cho tôi.
Sau CD này, khán giả có thể mong chờ những tác phẩm tiếp theo của chị không?
Tất nhiên sẽ còn nhiều nữa. Sau quãng thời gian dành cho gia đình, đến giờ phút này, ưu tiên số một của tôi là âm nhạc. Có thể tôi sẽ "tấn công" các bạn liên tục bằng những dự án âm nhạc mới trong năm 2018.
Xin cảm ơn chị!