Tài chính - Chứng khoán
Nhận biết 5 kênh đầu tư sinh lời cao
Minh Nhung - 24/09/2014 09:04
Các chỉ số thống kê cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2014, tốc độ tăng VN-Index là cao nhất, tiếp đến là gửi tiết kiệm, vàng... Song, để tìm kênh đầu tư sinh lời nhất, cần lượng định các yếu tố tác động đến biến động giá của các kênh đầu tư trong tương lai gần.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tín dụng bất động sản: Thêm gói ưu đãi trên trời
Thâu tóm “đất vàng” để biến thành vàng thật
Dự án đắp chiếu vẫn "cành cao"
Vàng, USD lặng sóng, ngân hàng đắt khách tiết kiệm
Giảm giá sốc, có nên đổ tiền vào vàng
Tiết kiệm vẫn là kênh được lựa chọn

Trước hết là kênh đầu tư kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thông qua thước đo giá là tốc độ tăng CPI. Từ tốc độ tăng sau 8 tháng chỉ 1,84%, khả năng sau 9 tháng chỉ trên 2%, thấp nhất so với cùng kỳ của 10 năm trước đó, CPI cả năm 2014 được dự báo có thể chỉ tăng dưới 5%.

   
  Thống kê cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2014, tốc độ tăng VN-Index là cao nhất, tiếp đến là gửi tiết kiệm, vàng  

Như vậy, CPI 4 tháng cuối năm chỉ vào khoảng 3%, bình quân 1 tháng tăng dưới 0,77%. Nếu tính cả tháng 1, tháng 2 sang năm - là các tháng trước và sau Tết cổ truyền thường có tốc độ tăng giá cao hơn - thì tốc độ tăng CPI bình quân 1 tháng có thể cao hơn, nhưng sẽ dưới 1%/tháng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, trừ những người đang kinh doanh. Những người này có thể lựa chọn loại mặt hàng để kinh doanh do giá cả có thể tăng trong thời gian tới, như lương thực, thực phẩm... vì nhu cầu tiêu dùng vào cuối năm và đầu năm sau thường cao hơn.

Đối với kênh đầu tư vàng, tuy 8 tháng qua có tốc độ tăng cao thứ 3 sau chứng khoán và tiết kiệm, nhưng hiện không nên đầu tư vào vàng, vì các yếu tố trên thị trường thế giới và thị trường trong nước.

Trên thị trường thế giới, có hai yếu tố chủ yếu tác động đến giá vàng.Thứ nhất, giá vàng thế giới đã giảm khá mạnh (hiện xuống dưới 1.225 USD/ounce) trong thời gian khá dài do khả năng FED sẽ tăng lãi suất sớm hơn (có thể vào tháng 10/2014). Yếu tố thứ hai là đồng USD tăng giá so với 6 đồng tiền chính khác trên thế giới. Thông thường, giá USD tăng, thì giá vàng tính bằng USD sẽ giảm. Ở trong nước, giá vàng dù đã giảm theo giá thế giới, nhưng chậm hơn và chênh lệch so với giá thế giới vẫn còn khá lớn (trên 4 triệu đồng/lượng). Việc mua vào, nếu có, cũng chỉ là theo truyền thống “tích cốc phòng cơ”, chứ không đơn thuần là mua để chờ giá lên, mua để đầu tư, càng không phải mua để “vàng bỏ ống cũng có lãi” như thời kỳ 2001-2011.

Đối với kênh đầu tư USD, trong thời gian dài, thì không có lợi. Trong vài chục năm qua, chỉ trừ một số năm, giá USD có tốc độ tăng cao, còn nhìn chung trong thời gian dài vẫn tăng thấp (năm 2013 so với năm 1990, CPI cao gấp trên 8,9 lần, giá vàng cao gấp gần 9,5 lần, còn giá USD tăng chưa đến 3 lần). Nguyên nhân chủ yếu do “cánh kéo tỷ giá” hiện vẫn còn ở mức 2,86 lần.     

Kênh đầu tư chứng khoán có dấu hiệu hồi phục. Ngày 17/9, VN-Index đã đạt 626 điểm, tăng 24% so với thời điểm cuối năm trước, vượt đỉnh điểm 607,55 vào ngày 24/3, vượt đỉnh điểm 624,1 trong 5 năm đạt vào ngày 22/10/1999. Đã có lúc vượt qua mốc 640 điểm và đang được dự đoán có khả năng vượt qua mốc 650-700 điểm trong năm nay. Nếu dự đoán đó là đúng, thì năm 2014, chứng khoán sẽ tăng 29-39% so với cuối năm trước, bằng 4-5 năm gửi tiết kiệm. Theo đó, có thể tăng khoảng 11-15% trong 4 tháng còn lại - đây là tốc độ tăng khá cao, cao hơn cả lãi suất hiện nay của tiết kiệm trong một năm rưỡi. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán là thị trường cao cấp, đòi hỏi phải có chuyên môn. Hơn nữa, còn phụ thuộc vào rủi ro nếu “mua ở đỉnh”, “bán ở đáy” do sự rình rập của “cá mập” trên thị trường.

Kênh đầu tư bất động sản đang có dấu hiệu ấm dần ở một vài phân khúc (nhà có giá thấp dưới 15 triệu đồng/m2, nhà có diện tích nhỏ), nhưng theo dự báo, phải tới năm 2015-2016 mới thực sự ấm nóng - đúng theo chu kỳ 5 - 6 năm của các cơn sốt trước (1994-2001-2007 đến đầu 2008, sau gói kích cầu nên tăng cho đến hết 2010- đóng băng từ 2011, khả năng đến 2015-2016 mới nóng sốt). Thông thường, chứng khoán nóng trước, khi vượt qua đỉnh sang dốc bên kia mới đến bất động sản. Theo đó, chứng khoán từ giờ đến cuối năm sẽ còn nóng, đến năm sau, sau khi đạt được số lãi lớn, nhiều nhà đầu tư sẽ mang sang đầu tư vào bất động sản, làm cho bất động sản ấm, nóng, sốt.

Kênh gửi tiết kiệm thời gian qua có lãi suất thực dương, an toàn, thích hợp với những món tiền không lớn và với một số đối tượng không biết đầu tư vào đâu, hoặc những nhà đầu tư “tạm trú” vào tiết kiệm để chờ cơ hội đầu tư vào một kênh nào đó.

Nhìn tổng quát, tùy lượng tiền, tùy đối tượng có trình độ và có “gan” làm giàu đến đâu để chọn kênh đầu tư. Có thể đầu tư vào chứng khoán, sang năm sẽ đầu tư vào bất động sản; đối với công trình phải thi công một vài năm, thì có thể đầu tư từ bây giờ, có thể “non” một chút, nhưng nếu để giá thoát đáy, vượt dốc đi lên (dù chưa đến đỉnh”), thì với số tiền hiện tại, sẽ không bao giờ có thể sở hữu được một căn nhà như ý muốn.

Tin liên quan
Tin khác