Doanh nghiệp
Nhận diện những mặt trận MobiFone sắp "tấn công tổng lực"
Hữu Tuấn - 19/07/2016 08:41
Sau 2 năm âm thầm chuẩn bị, MobiFone bắt đầu mở cuộc cạnh tranh tổng lực trên mọi lĩnh vực.

“Thay đổi hay là chết”

MobiFone - nhà mạng có “lối đá” đơn điệu, chỉ biết khai thác thu dịch vụ từ di động đang có những chuyển mình, trở lại đường đua trước các đối thủ cạnh tranh như Viettel, VNPT khi áp dụng chiến thuật pressing tổng lực - tấn công cả ở “mặt trận” truyền hình, công nghệ mới 4G, bán lẻ, hạ tầng cáp quang.

Cách đây không lâu, chính Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã nhận xét rằng, công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông vẫn đang liên tục phát triển, thay đổi với tốc độ nhanh chóng; sự hội tụ giữa viễn thông và phát thanh, truyền hình ngày càng diễn ra mạnh mẽ; nhu cầu sử dụng các dịch vụ băng rộng trong lĩnh vực khác nhau ngày càng gia tăng; kết nối vô tuyến giữa máy với máy trong Internet cho vạn vật (Iot) phát triển nhanh trong thời gian tới… đòi hỏi các nhà mạng phải chuyển đổi mô hình kinh doanh nếu không muốn bị đối thủ bỏ lại sau lưng.

.

Xu hướng hội tụ cố định và di động FMC (Fixed Mobile Convergence), sự hợp nhất các công nghệ hữu tuyến, vô tuyến và di động đang lan rộng từ châu Âu đi khắp thế giới. Các đại gia viễn thông như Orange (Pháp), Vodafone, Telekom (Austria) liên tục thực hiện hoạt động mua bán, sáp nhập các hãng truyền hình, cáp quang để tích hợp thành dải sinh thái của riêng mình, cung cấp đa dịch vụ dưới một thương hiệu.

MobiFone cũng không nằm ngoài guồng quay đó. Năm 2014, khi tách ra từ Tập đoàn VNPT, tài sản mà MobiFone có chỉ là 40,2 triệu thuê bao di động, không có hạ tầng trạm BTS và phải đi thuê, không có Internet cố định để kinh doanh các mảng gia tăng khác. Để duy trì và phát triển kinh doanh trong bối cảnh không có hạ tầng, không có hệ sinh thái trong khi xu hướng OTT, mạng xã hội lấn át, làm giảm doanh thu viễn thông truyền thống, MobiFone buộc phải chuyển mình.

Chiến lược mới, khát vọng mới

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone khẳng định, MobiFone chuyển chiến lược từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang kinh doanh đa dịch vụ. Tâm điểm năm 2016 của MobiFone sẽ là cổ phần hóa, bán lẻ, 4G, IoT.  Theo đó, MobiFone sẽ tập trung vào đầu tư hạ tầng viễn thông, triển khai nhanh 4G, xây dựng nguồn nhân lực CNTT và truyền hình. Mục tiêu đặt ra là đạt doanh thu 100.000 tỷ đồng vào năm 2020.

Hai năm qua, MobiFone đã chuẩn bị cho một chiến lược mới đón đầu xu thế này. Chiến lược xây dựng hệ sinh thái phục vụ 4 lĩnh vực phát triển trong tương lai là viễn thông - công nghệ thông tin, kênh phân phối bán lẻ, truyền hình và đa dịch vụ được MobiFone nhanh chóng khởi động.

Ngày 1/7, MobiFone đã đồng bộ ra mắt đường trục truyền dẫn Bắc – Nam sau 6 tháng xây dựng, một tốc độ kỷ lục tại Việt Nam và đồng thời thử nghiệm dịch vụ 4G, công bố truyền hình MobiTV.

Việc có riêng “hệ thống hạ tầng giao thông” của mình đồng nghĩa với việc MobiFone đã tự chủ, chủ động kinh doanh trên hạ tầng của mình. Mặt khác, đường truyền dẫn tốt sẽ giúp MobiFone bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ viễn thông lên 4G, băng thông kết nối liên tục tăng cao, gấp 10 đến 100 lần so với công nghệ 2G/3G hiện tại. Tạo điều kiện mở rộng kinh doanh, cung cấp hàng loạt các dịch vụ công nghệ mới như truyền hình, CNTT, cung cấp dịch vụ kết nối, thương mại điện tử…

Với mạng 4G, MobiFone đã làm việc với các đối tác có kinh nghiệm triển khai 4G trên toàn thế giới như Samsung, Ericsson triển khai thử nghiệm thành công đạt tốc độ dowload/upload tối đa 225Mbps/75Mbps, trong điều kiện thử nghiệm tiêu chuẩn với các thiết bị chuyên dụng, tốc độ 4G có thể đạt đến mức 700Mbps. Điều này đặt nền móng cho việc triển khai hàng loạt dịch vụ 4G sắp tới.

Hệ thống cáp quang chạy suốt Bắc Nam, công nghệ 4G tốc độ cao sẽ là nền tảng để MobiFone phải triển mảng truyền hình với MobiTV. Xem ti vi trên nền tảng 4G xu thế trải nghiệm đa màn hình để phát triển những nội dung riêng đặc sắc là “đặc sản” mà MobiFone sẽ mang đến cho khách hàng trong thời gian tới.

Với việc ra mắt đường truyền dẫn Bắc - Nam, 4G và truyền hình MobiTV, những mảnh ghép cuối cùng đã hội tụ trong hệ sinh thái của MobiFone.

Bằng việc cùng lúc khai trương, ra mắt 3 sự kiện này, MobiFone không chỉ “mở rộng chiến tuyến”, mà đã áp sát, tấn công vào các lĩnh vực mới như truyền hình, Internet cáp quang, bán lẻ, dịch vụ 4G là những sản phẩm thời thượng, tạo sức cạnh tranh lớn trên thị trường hiện nay.

Tin liên quan
Tin khác