Ông Barry Weisblatt |
Ông nhận xét thế nào về diễn biến thị trường tháng 11 vừa qua?
Chỉ số VN-Index đã kết thúc tháng 11/2016 với mức tăng 14,9% so với đầu năm. Nhưng con số này không phản ảnh chính xác diễn biến thị trường vì cổ phiếu ROS tăng quá mạnh.
Nếu không tính ROS, chỉ số VN-Index chỉ tăng 10,7% so với đầu năm. Con số này sẽ khiến thị trường Việt Nam có mức tăng thấp hơn Thái Lan (+17,3%) và Indonesia (+12,1%), nhưng vẫn cao hơn nhiều so với thị trường Philippines (-2,5%), bởi một phần thị trường này đã trải qua đà giảm lớn kể từ khi Tổng thống Duterte nhậm chức.
Cũng nếu như không tính ROS, chỉ số VN-Index đã kết thúc tháng 11 với mức P/E 14,8 lần, mức hợp lý khi tính đến các điệu kiện vĩ mô hiện tại.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là nguyên nhân chính khiến khối ngoại rút ròng mạnh trong tháng 11.
Kế hoạch kích thích tài khóa của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã củng cố thêm quyết tăng lãi suất của Fed trong kỳ họp tới. Diễn biến này làm tăng giá USD, không chỉ so với VND mà với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 5 và 10 năm đã tăng 50 điểm cơ bản từ ngày diễn ra cuộc bầu cử đến cuối tháng 11 và chỉ số S&P 500 cũng tăng 3,1%.
Triển vọng về USD mạnh hơn và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cao hơn đã thu hút một lượng vốn ra khỏi các thị trường mới nổi và cận biên. Diễn biến này không chỉ diễn ra riêng tại Việt Nam.
Fed sẽ nhóm họp lần tiếp theo vào ngày 13 và 14/12. Tôi dự báo dòng vốn sẽ tiếp tục được rút ra khỏi các thị trường mới mổi và cận biên cho đến khi có kết quả chính thức cuộc họp của Fed.
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của thị trường trong tháng 12?
Thị trường sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các sự kiện diễn ra trên toàn cầu trong tháng 12.
Như đã đề cập, chúng tôi dự đoán áp lực giảm điểm đối với VN-Index sẽ vẫn được duy trì cho đến khi có kết quả cuộc họp của Fed trong tháng 12.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nên theo dõi chặt chẽ diễn biến giá dầu trong bối cảnh đồng thuận bất ngờ giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu khác.
Trong nước, có một vài diễn biến rất tích cực, bao gồm việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) niêm yết trên sàn HOSE, và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Những diễn biến này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển và thanh khoản của thị trường trong dài hạn.
Thực tế, mức tăng mạnh của sàn UPCoM cũng là một yếu tố tích cực. Tính đến ngày 30/11/2016, giá trị vốn hóa của sàn UPCoM là 10,1 tỷ USD, đã vượt giá trị vốn hóa của Sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội và góp phần tạo thêm nhiều cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Trong bối cảnh này, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội trong những nhóm ngành nào, theo ông?
Trong năm 2017, có 2 quan điểm đầu tư mà tôi đánh giá cao. Thứ nhất, có cơ hội lớn để đầu tư vào các công ty cung cấp thương hiệu thực phẩm và đồ uống (F&B) chất lượng cao, đáng tin cậy.
Cụ thể, niềm tin tiêu dùng và tăng trưởng tổng mức bán lẻ tiếp tục gia tăng mạnh nhờ lạm phát thấp và giá trị bất động sản ổn định, yếu tố này hỗ trợ cho các công ty tiêu dùng. Chưa kể, người tiêu dùng giờ đây đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề an toàn thực phẩm.
Chúng tôi cũng nhận thấy sự chuyển đổi từ chợ truyền thống sang mô hình bán lẻ hiện đại. Một vài công ty blue-chip được niêm yết trên sàn có vị thế tốt để tận dụng xu hướng này với chuỗi bán lẻ đang phát triển và được quản lý tốt.
Thứ hai, có một lượng lớn nguồn cung nhà ở sẽ được bàn giao trong năm 2017 và năm 2018. Điều này sẽ giúp cho các công ty trong lĩnh vực xây dựng và cung ứng vật liệu xây dựng như thép, xi măng, nhựa xây dựng và đèn chiếu sáng sẽ có nhiều triển vọng trong thời gian tới.