Ông Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội |
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Hàng năm Đại học Bách khoa tuyển chọn rất cao, chỉ lấy 10% nhân lực công nghệ trên cả nước. Các bạn trẻ tại đây có tham vọng, mong muốn thành công và khát khao chứng minh bản thân mình với các quốc gia khác.
"Họ có năng lực, thông minh, nhạy bén như những viên ngọc thô cần được mài dũa. Có rất nhiều doanh nhân thành công xuất thân từ trường Đại học Bách khoa như doanh nhân Nguyễn Tử Quảng, Founder Lozi... Tuy nhiên, hiện tại các bạn sinh viên không tập trung vào việc học và các bài kiểm tra do từ năm thứ 3 đã có các công ty đến trường lấy sinh viên. Năm nay chúng tôi cũng hy vọng các giải thưởng như "luận án tốt" sẽ thúc đẩy các bạn sinh viên tập trung hơn vào các luận án và việc học", ông Tạ Hải Tùng cho hay.
Đồng quan điểm, ông Tony Ngô, Chủ tịch Everest Education đánh giá: năng lực của nhân lực công nghệ của chúng ta không tệ! Chúng ta có những tài năng trẻ như những viên ngọc còn thô, song chúng ta cần phải mài dũa ngọc bởi họ chưa có nhiều kỹ năng.
Vậy giải pháp nào để giải quyết? Theo ông Tony, hiện Quỹ đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có những học bổng cho sinh viên Việt Nam đi du học ở nước ngoài, yếu tố quan trọng trong chương trình này khác với chương trình khác là không yêu cầu quay trở về nước để làm ngay. Các bạn sinh viên sẽ có cơ hội tham gia vào công ty đa quốc gia, sau một thời gian học hỏi tích luỹ kinh nghiệm lúc đó các bạn sẽ quay trở về Việt Nam, để đóng góp cho đất nước.
"Tôi vui mừng khi Chính phủ Việt Nam đã tăng tốc phối hợp với tư nhân để giải quyết vấn đề nguồn năng lực công nghệ một cách sáng tạo như vậy", ông Tony bày tỏ.
Ông Tony Ngô, Chủ tịch Everest Education |
Về phía nhà trường, để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc trong đào tạo nhân lực công nghệ, ông Tùng cho biết: Thời điểm hiện tại, chúng tôi không nhận được hỗ trợ từ phía Nhà nước, mà hoạt động nghiên cứu trên học phí từ sinh viên, do vậy chúng tôi cần tài chính đủ để hoạt động nghiên cứu. Chúng tôi nghĩ rằng, Chính phủ cần đầu tư vào nghiên cứu phát triển, làm thế nào để có được kết quả đào tạo nhân lực thông qua các bằng sáng chế, nghiên cứu.
Là người đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng hệ sinh thái gắn kết kỹ sư phần mềm Việt Nam và quốc tế, ông Huy Nguyễn, Giám đốc Holistics Software chia sẻ, để thay đổi chất lượng nguồn nhân lực, đầu tiên cần thay đổi nhận thức của các kỹ sư.
Cũng bày tỏ quan điểm, ông Tuấn phạm, CEO Topica Edtech cho biết: Chúng ta có rất nhiều vấn đề về nguồn nhân lực, nhưng chúng tôi có nhiều giải pháp, ở Việt Nam chúng ta có nhiều nhân tài và cần được đào tạo lại sau khi tốt nghiệp, phù hợp với văn hoá, sẵn sàng học hỏi tiến về phía trước...