Big Tech sa thải, Việt Nam tuyển dụng
Làn sóng sa thải nhân lực công nghệ nhằm tiết giảm chi phí đã và đang được hàng loạt ông lớn công nghệ thực hiện. Theo đó, Meta (công ty mẹ Facebook) đã thực hiện sa thải 21.000 nhân viên từ đầu năm 2023 đến nay; Microsoft cắt giảm 10.000 nhân viên ngay trong tháng 1/2023 do lo ngại doanh thu suy giảm; Alphabet (công ty mẹ Google) chấm dứt hợp đồng với 12.000 nhân viên, tương đương hơn 6% lực lượng lao động; Amazon cắt giảm 18.000 người; Dell nói lời tạm biệt với 6.650 nhân sự…
Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023, trên toàn cầu, gần 130.000 nhân viên tại 482 công ty công nghệ đã bị sa thải (gần bằng 161.000 nhân viên bị sa thải của cả năm 2022)... Xu hướng này có thể sẽ còn kéo dài đến cuối năm 2023.
Ngược lại với tình hình ảm đạm của thế giới, tại Việt Nam, nhân lực công nghệ vẫn được các công ty săn đón và có mức lương “khủng”.
Kết quả khảo sát mới đây của TopCV cho thấy, nghề kỹ sư phần mềm là một trong 3 vị trí được tuyển dụng nhiều nhất, nhưng cũng là 3 vị trí khó tuyển dụng và giữ chân nhất. Được biết, kỹ sư phần mềm cỡ trung có thể nhận về 1.190 USD/tháng, tuy được săn đón với mức lương hấp dẫn như vậy, nhưng nguồn cung nhân lực trong lĩnh vực CNTT vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Báo cáo của TopDev cũng cho biết, mức lương lập trình viên tại Việt Nam dao động từ 350 USD/tháng (sinh viên mới ra trường) đến 1.190 USD/tháng cho vị trí trung cấp. Lập trình viên cao cấp có mức lương dao động từ 860 - 1.510 USD/tháng. Các vị trí quản lý (từ 5 năm kinh nghiệm trở lên) hoặc cấp cao hơn có mức lương từ 1.410 - 2.300 USD/tháng…
Khảo sát xu hướng tuyển dụng nhân sự CNTT năm 2023 do Công ty CP IT Việc thực hiện, có 81,5% doanh nghiệp phản hồi sẽ tuyển thêm người để tăng quy mô. Khảo sát nhận định, doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam ngày càng phát triển, nỗ lực mang đến môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động, bất chấp biến động toàn cầu gia tăng.
Số liệu của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cho biết, tỷ lệ nhân lực CNTT ước đạt 1% trong tổng số 51 triệu lao động tại Việt Nam. Một báo cáo khác cũng cho thấy, chỉ 40% doanh nghiệp có đủ kỹ năng CNTT và truyền thông để duy trì, khai thác hệ thống công nghệ số. Dự báo, năm 2023, sẽ thiếu hụt khoảng 1 triệu nhân lực CNTT.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho rằng, nhân lực phần mềm hiện có nhiều, nhưng càng thiếu nhiều và các nước đang phát triển thậm chí còn thiếu nhiều hơn. Nguồn nhân lực CNTT đang thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nước ta. Đặc biệt là nguồn nhân lực công nghệ cao và rất cao như AI, Chip, IoT, Big Data, kỹ thuật xe điện…
Vì sao tiếp tục tăng nhiệt?
Thực tế, từ nhiều năm nay, nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu hụt, đặc biệt là từ thời gian Covid-19 diễn ra đến nay. Theo Báo cáo Tech Hiring 2022, làn sóng đầu tư nước ngoài đã mang đến nhiều cơ hội cho thị trường lao động CNTT trong nước. Các công ty CNTT trong khu vực bắt đầu vào Việt Nam tuyển dụng và xây dựng đội ngũ kỹ sư phát triển sản phẩm cho mình.
(Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số)
Theo bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc Navigos miền Bắc cho biết, các bigtech lớn của thế giới có số lượng nhân sự làm việc tại Việt Nam không nhiều, nên thị trường Việt Nam không bị ảnh hưởng quá lớn. Trong khi đó, các ngành tại Việt Nam đều cần áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nên vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhân viên công nghệ. Còn với khối doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, họ cũng đang chuẩn bị bộ máy R&D cho mảng công nghệ.
"Chúng ta nghĩ đang là một mùa đông ảm đạm của lĩnh vực CNTT, nhưng thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đang xây dựng cơ sở tại Việt Nam. Yêu cầu tuyển dụng vẫn có. Thậm chí, chúng tôi đang nhận yêu cầu về những đơn hàng tuyển dụng xây dựng bộ máy phát triển CNTT tương đối lớn", bà Lan tiết lộ.
Lý giải thêm về điều này, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc vận hành dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động miền Nam thuộc Manpower Group Việt Nam (TP.HCM) cho rằng, nhiều doanh nghiệp, ngành nghề tại Việt Nam đang tăng cường áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số sau đại dịch, trong khi đó nguồn nhân sự công nghệ chất lượng cao khan hiếm. Do vậy, thị trường tuyển dụng lĩnh vực công nghệ trong nước trái ngược với thế giới đang diễn ra sôi nổi và cạnh tranh cao.
Theo ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch TMA Solutions, bigtech sa thải nhân sự lại có lợi cho Việt Nam khi có thể tìm nguồn nhân sự giá rẻ, làm việc từ xa. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt đang phải cạnh tranh thu hút nhân sự với hàng loạt doanh nghiệp công nghệ nước ngoài khác đầu tư vào Việt Nam như Samsung, Bosch…
Theo Bộ thông tin và Truyền thông, mỗi năm, Việt Nam sẽ tăng 13% nhu cầu tuyển dụng về CNTT. Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển công nghệ số, nhu cầu nhân lực là rất lớn và không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực CNTT Việt Nam vẫn chưa khắc phục được là, có một tỷ lệ cao chưa đáp ứng được chất lượng và chuyên môn sâu về công nghệ cho doanh nghiệp. Đây là vấn đề cần sớm khắc phục, nếu không khoảng trống này sẽ bị lấp đầy bởi các nhân sự nước ngoài như Ấn Độ, Trung Quốc.