VietBank cho biết, ngày 8/3 sẽ chốt danh sách cổ đông họp ĐHĐCĐ thường niên 2021. Thời gian họp dự kiến là ngày 2/4 tại TP.HCM. |
Nhiều nhà băng bất ngờ thay ghế “nóng”
Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, có ít nhất 2 ngân hàng bất ngờ thay ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT. Cụ thể, ngày 23/2, HĐQT VietBank đã có thông báo chính thức về việc ông Bùi Xuân Khu, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương ngồi ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT VietBank, thay thế ông Dương Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT đương nhiệm.
VietBank lý giải, việc thay ghế “nóng” này là để phù hợp với tình hình hoạt động của HĐQT VietBank trong giai đoạn mới cũng như trong điều kiện thị trường hiện nay chịu tác động của Covid-19.
Tuy nhiên, việc ông Hòa đã gắn bó với VietBank và điều hành hoạt động của HĐQT VietBank từ những ngày đầu thành lập đến nay với vị trí Chủ tịch HĐQT cũng khiến nhiều người không khỏi thắc mắc về việc thay ghế “nóng” lúc này.
Trước đó, vào cuối quý III/2020, VietBank đã thay vị trí Tổng giám đốc, với người đương nhiệm là ông Lê Huy Dũng, thay thế vị trí của ông Nguyễn Thanh Nhung.
Tương tự, tại Hội nghị Tổng kết năm 2020 và Triển khai kế hoạch kinh doanh 2021 của Kienlongbank diễn ra ngày 28/1/2021, HĐQT ngân hàng này đã họp và bầu ông Lê Hồng Phương giữ chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2022 kể từ ngày 1/2/2021.
Năm 2021, Kienlongbank đặt mục tiêu đẩy mạnh xử lý hoàn tất các khoản nợ có tài sản thế chấp là cổ phiếu STB của Sacombank và đưa tổng nợ xấu của Kienlongbank về mức dưới 2% tổng dư nợ; hạn chế nợ xấu mới phát sinh, quản lý rủi ro; gia tăng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng...
Sớm chốt lịch họp đại hội đồng cổ đông
Tuy chưa hết tháng 2/2021, nhưng nhiều nhà băng đã sớm chốt lịch họp ĐHĐCĐ thường niên năm nay. Trong đó, BIDV, PG Bank dự kiến tiến hành đại hội trong tháng 3/2021. Còn VietBank, Vietcombank, Sacombank, VIB sẽ tiến hành đại hội vào tháng 4/2021 để trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay.
Cụ thể, VietBank cho biết, ngày 8/3 sẽ chốt danh sách cổ đông họp ĐHĐCĐ thường niên 2021. Thời gian họp dự kiến là ngày 2/4 tại TP.HCM.
ACB sẽ chốt danh sách cổ đông hưởng quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2021 vào ngày 5/3. Đại hội dự kiến diễn ra vào ngày 6/4/2021 tại TP.HCM. Nội dung cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 chưa được ngân hàng này công bố.
Sacombank vừa có thông báo chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2020 vào ngày 19/3. ĐHĐCĐ thường niên năm nay của Sacombank dự kiến diễn ra vào ngày 23/4. Tài liệu cuộc họp sẽ được Ngân hàng công bố vào ngày 31/3.
Trong khi đó, BIDV vừa thông báo về việc thay đổi thời gian tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Theo đó, ngày tổ chức đại hội sẽ chuyển từ ngày 27/2/2021 sang ngày 12/3/2021. Bên cạnh trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021, BIDV dự kiến thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 và bầu bổ sung thành viên HĐQT, thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2022. Ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông về việc chuyển đổi Chi nhánh Yangon (Myanmar) thành ngân hàng con.
VIB đã chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2021 vào ngày 17/2. Nội dung cuộc họp, địa điểm, thời gian tổ chức chưa được ngân hàng này công bố.
Còn tại PG Bank, Ngân hàng dự kiến tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 vào ngày 9/3/2021 tại Hà Nội...
Nhìn chung, các nhà băng chốt sớm lịch ĐHĐCĐ năm nay, nhưng tùy thuộc vào diễn biến của Covid-19 mà có thể điều chỉnh lùi thời gian tổ chức. Các vấn đề nóng được nhà đầu tư quan tâm trong mùa ĐHĐCĐ năm nay là cổ tức khi kết quả kinh doanh của nhiều nhà băng tăng trưởng mạnh trong năm qua, cũng như kế hoạch đưa ra cho năm nay.
Năm 2021, BIDV đặt mục tiêu tổng tài sản cuối kỳ tăng trưởng khoảng 9%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 12%, huy động vốn tăng 12 - 14,8%, tỷ lệ nợ xấu đảm bảo dưới 1,6%.
Kienlongbank đặt mục tiêu cho năm 2021 là tổng tài sản hợp nhất tăng 16,62%, huy động thị trường 1 tăng 16,52%, dư nợ cấp tín dụng tăng 28,47%, lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, việc chia cổ tức của các nhà băng cũng được nhiều nhà đầu tư đặt kỳ vọng, nhất là khi giá cổ phiếu “vua” đã tăng cao thời gian qua và dự báo còn triển vọng tăng giá trong thời gian tới.
Tuy nhiên, điều quan trọng được giới đầu tư, cổ đông quan tâm vẫn là biến động nhân sự cấp cao ở các ngân hàng trong mùa đại hội năm nay. Vấn đề này sẽ có tác động lên giá cổ phiếu của các nhà băng. Đơn cử Kienlongbank, trước khi thay ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT, giá cổ phiếu KLB của nhà băng này đã tăng từ 10.000 đồng lên 20.000 - 21.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2020.