Tỷ suất lợi nhuận hồi phục, quy mô nhân sự vẫn tiếp tục thu hẹp
Quý II/2020, CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD) tiếp tục thu hẹp quy mô doanh thu hợp đồng xây dựng so với cùng kỳ. Doanh thu thuần hoạt động kinh doanh trong quý hơn 3.971 tỷ đồng giảm 31% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là biên lãi gộp của công ty đã hồi phục quý thứ 4 liên tiếp, từ mức 3,2% (quý II/2019) lên 6,1% (quý II/2020). Lợi nhuận gộp nhờ đó tăng 32,6% so với cùng kỳ.
“Một số công trình lớn kéo dài hơn dự kiến trong quý II/2020 làm tăng chi phí cố định, giảm lợi nhuận gộp chung của tập đoàn”, lãnh đạo Coteccons giải thích chi tiết thêm.
Đây cũng là nguyên nhân chính giúp lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 158,3 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Coteccons thu về 281 tỷ đồng, hoàn thành 46,8% mục tiêu lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua (600 tỷ đồng).
Đối với kế hoạch doanh thu 16.000 tỷ đồng, Coteccons cũng mới hoàn thành 47% mục tiêu. Cùng xu hướng thu hẹp doanh thu, quy mô nhân sự của công ty cũng đã liên tục giảm trong các quý gần đây. Đến cuối quý II này, Coteccons và các công ty con chỉ còn 1.901 nhân sự, trong đó riêng công ty mẹ là 1.172 người, giảm 24% so với cách đây một năm.
Số lượng nhân sự tại Coteccons liên tục giảm trong các quý gần đây |
Ngoài những khó khăn chung của thị trường xây lắp, Coteccons còn gặp vấn đề trong nội bộ cổ đông suốt hai năm qua khi cổ đông lớn Kusto từ Nhật Bản có những quan điểm trái ngược với các thành viên HĐQT trong ban điều hành. Trong đó, nội dung mâu thuẫn lớn nhất là việc sáp nhập với Ricons, một công ty cũng hoạt động trong lĩnh vực xây lắp do Coteccons sở hữu 14,3% vốn.
Đánh giá lại khoản đầu tư vào Riccons hụt 29 tỷ đồng
Đến thời điểm hiện tại, Coteccons đã không còn ghi nhận Ricons là công ty liên kết. Theo quy định, mức sở hữu để trở thành công ty liên kết là trên 20% nhưng Coteccons vẫn hạch toán như một công ty liên kết, một phần vì một số lãnh đạo của công ty cũng đang nắm giữ vai trò lớn tại Ricons trước đây. Tuy nhiên, Chủ tịch Coteccons Nguyễn Bá Dương đã từ nhiệm Thành viên HĐQT Ricons hôm 22/6.
Cùng với việc chuyển từ công ty liên kết sang khoản đầu tư góp vốn khác, giá trị khoản đầu tư vào Ricons cũng được đánh giá lại, giảm 29 tỷ đồng. Chi phí tài chính quý này vì vậy bất ngờ đội lên tới hơn 30 tỷ đồng.
Quy mô nguồn vốn của Coteccons giảm hơn 1.190 tỷ đồng so với cuối năm trước, đạt hơn 15.005 tỷ đồng. Nguyên nhân do công ty đã giảm mạnh phần phải trả cho người bán. Trong đó, riêng khoản vốn chiếm dụng từ bên liên quan đã giảm từ 749 tỷ đồng về 0. Vốn tự có tiếp tục là đóng góp chính (8.470 tỷ đồng), phần lớn từ quỹ đầu tư phát triển và thặng dư vốn cổ phần. Vốn điều lệ duy trì ở mức 792,5 tỷ đồng. Với 76,29 triệu cổ phiếu đang lưu hành (do còn 2,96 triệu cổ phiếu quỹ), thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu của Coteccons nửa đầu năm vẫn đạt tới 3.509 đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là hơn 3.900 đồng.
Ông Nguyễn Bá Dương vẫn là đại diện pháp luật duy nhất của Coteccons
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, Coteccons đã trình và được cổ đông thông qua tờ trình sửa đổi Điều lệ công ty. Một trong các quy định được bổ sung mới ngay trước thêm diễn ra cuộc hop là nội dung chuyển số lượng người đại diện pháp luật từ 1 người sang 2 người cùng đều trong HĐQT. “Công ty có hai đại diện theo pháp luật là Chủ tịch và một thành viên HĐQT do HĐQT bầu ra”.
Dù điều lệ được sửa đổi nhưng giấy phép đăng ký kinh doanh của Coteccons chưa ghi nhận bất cứ sự thay đổi nào.