Ngân hàng - Bảo hiểm
Nhân sự ngân hàng "hot" trở lại
Bảo An - 11/06/2019 15:58
Mặc dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đưa ra cho năm nay tương đương mức 14% của năm 2018, nhưng với kế hoạch kinh doanh tham vọng, các ngân hàng đã mạnh tay tuyển dụng nhân sự ngay từ đầu năm.
ACB thông báo tuyển dụng 1.000 nhân sự ở nhiều vị trí khác nhau

Kinh doanh khởi sắc, ngân hàng đua hút nhân tài

Năm 2018 khép lại, bức tranh toàn cảnh ngân hàng nhìn chung ghi nhận nhiều điểm sáng khi hàng loạt nhà băng công bố lợi nhuận ấn tượng, thậm chí vượt xa so với chỉ tiêu đề ra ban đầu. Trong đó, không ít ngân hàng đạt hàng chục nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế như Vietcombank, Techcombank...

Trước tình hình kinh doanh khởi sắc, cùng triển vọng tăng trưởng lạc quan trong năm 2019, việc phát triển nguồn nhân lực tiếp tục được xem là một trong những chiến lược trọng yếu của các ngân hàng. Theo thông tin ghi nhận, trong 2 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đồng loạt thông báo tuyển dụng nhân sự, với số lượng từ vài trăm đến vài nghìn người cho các vị trí từ chuyên viên đến cấp quản lý.

Chẳng hạn, Sacombank thông báo tuyển dụng 800 chỉ tiêu cho các phòng giao dịch, chi nhánh khắp cả nước. Các vị trí được tập trung chiêu mộ lần này là chuyên viên khách hàng cá nhân, doanh nghiệp; chuyên viên tư vấn, giao dịch viên... ACB thông báo tuyển dụng 1.000 nhân sự ở nhiều vị trí khác nhau. VIB còn đưa ra một chiến dịch tuyển dụng nhân sự, hứa hẹn mức lương chi trả cao nhất lên tới 100 triệu đồng mỗi tháng.

Được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho mở mới 35 đơn vị kinh doanh từ cuối năm 2018 đến giữa năm 2019, mới đây, Nam A Bank đã mạnh tay chiêu mộ 2.000 nhân sự trên toàn quốc nhằm đáp ứng kịp thời cho việc mở rộng quy mô. Theo đó, các chức danh ngân hàng tuyển dụng gồm chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân/doanh nghiệp, chuyên viên bán hàng trực tiếp, chuyên viên kinh doanh thẻ tín dụng, chuyên viên tư vấn, chuyên viên phát triển kinh doanh ngân hàng số.

Đối với đội ngũ hỗ trợ công việc văn phòng (back office), Nam A Bank nhắm đến vị trí thuộc các phòng ban nghiệp vụ như chuyên viên tuyển dụng, chuyên viên quản lý nhân sự, chuyên viên truyền thông, chuyên viên thiết kế, chuyên viên phát triển thương hiệu….

Với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho chiến lược tăng trưởng, ACB đã triển khai chương trình “Đối tác sự nghiệp” trên toàn quốc. Trong đó, 15% số lượng nhân sự cần tuyển liên quan đến công nghệ thông tin như phát triển ứng dụng DevOPs, lập trình, phân tích dữ liệu....

Lý giải việc không yêu cầu khắt khe về kinh nghiệm khi tuyển dụng nhân sự ngoài ngành, đại diện ACB cho biết, việc mở rộng cơ hội cho các nhân sự giỏi ngoài ngành ngân hàng cũng là tăng thêm cơ hội phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho ACB. Các chương trình đào tạo sau tuyển dụng sẽ giúp các ứng viên tiếp cận với kiến thức chuyên môn về ngân hàng, từ đó kết hợp với năng lực riêng của bản thân để tạo dựng sự nghiệp thành công tại ACB.

Từ giữa tháng 2/2019, OCB đã triển khai chương trình tuyển dụng "Bản lĩnh người Phương Đông" quy mô trên toàn quốc. Với thông điệp “Cùng OCB làm nên nghề danh giá”, đối tượng ứng viên mà chương trình hướng tới không chỉ giới hạn ở cấp độ quản lý, những ứng viên có kinh nghiệm, chuyên môn cao, mà còn là những người mới đi làm, sinh viên vừa tốt nghiệp.

Bà Phan Bảo Quỳnh An - Phó phòng Nhân sự của OCB đánh giá, hiện thị trường lao động nói chung và trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng đang đối mặt với sự chuyển dịch ở mức độ cao, các ứng viên ngày càng khó tính hơn trong việc lựa chọn một tổ chức để gắn bó. Theo bà An, đối với người làm công tác tuyển dụng, đây là vừa là áp lực, vừa là động lực cần thiết để ngân hàng tiếp tục cải thiện, đưa ra những chính sách phù hợp và cạnh tranh hơn.

"OCB đã chuẩn bị các chính sách lương thưởng, chế độ phúc lợi hấp dẫn để tăng khả năng thu hút nhân sự giỏi. Bên cạnh đó, khi gia nhập OCB, ngoài công việc phù hợp với năng lực, ứng viên còn được tham gia các chương trình đào tạo - hội nhập và chuyên sâu, từ đó nhanh chóng thích nghi với công việc, môi trường mới", bà An nhấn mạnh.

Thu nhập của nhân viên ngân hàng tăng trở lại

Sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực ngân hàng, nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong năm 2019 được dự báo sẽ rất lớn. Mặt khác, việc các ngân hàng tuyển quân rầm rộ ngay từ đầu năm không chỉ là để phục vụ công tác kinh doanh, mà còn mở ra cơ hội nghề nghiệp cho những ứng viên yêu thích ngành tài chính - ngân hàng.

Làm việc trong ngân hàng, ngoài được trải nghiệm môi trường chuyên nghiệp, mức thu nhập và chế độ đãi ngộ luôn là yếu tố được quan tâm hàng đầu.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM, qua khảo sát gần 2.000 doanh nghiệp với 415.000 người lao động trên địa bàn, mức thưởng Tết năm 2019 đã tăng khá mạnh so với năm 2018.

Đơn cử, đối với Tết Dương lịch 2019, mức thưởng cao nhất thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đạt 500 triệu đồng, trong khi mức thưởng trung bình của khối này là 9,4 triệu đồng/người, cao hơn năm trước 70%. Mức thưởng bình quân chung của các doanh nghiệp tại TP. HCM là 3,4 triệu đồng/người, cao hơn năm trước 30%.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tổng số nhân lực làm việc trong ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2020 dự kiến đạt 300.000 người.

Với ngành ngân hàng, mức thưởng Tết Nguyên đán 2019 cao nhất là 1,17 tỷ đồng thuộc về một ngân hàng có trụ sở tại TP. HCM. Sở dĩ các nhà băng mạnh tay chi lương, thưởng cho cán bộ, nhân viên năm nay là do tỷ suất lợi nhuận tính trên từng nhân viên ở nhiều nhà băng tăng cao trong năm 2018.

Một khảo sát vừa được 2 công ty nhân sự Talentnet và Mercer thực hiện tại gần 120 doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, lương bình quân năm 2019 sẽ tăng nhẹ ở tất cả ngành. Trong đó, ngành công nghệ cao, dược phẩm và hóa chất được dự đoán vẫn là 3 ngành tăng lương cao nhất, với mức tăng bình quân 9%. Riêng với ngành tài chính - ngân hàng, tuy không nằm trong Top 3 về mức tăng lương, nhưng hoạt động kinh doanh khởi sắc giúp ngành này đứng đầu thị trường về mức tăng tiền thưởng.

Tỷ lệ thưởng năm 2018 của các doanh nghiệp thuộc ngành tài chính - ngân hàng dẫn đầu các nhóm ngành khảo sát, đạt 25,4%, bỏ khá xa ngành xếp thứ hai là dược phẩm với 18,5%. Tỷ lệ này tăng 5% so với năm 2017. Theo Talennet, điều đó chứng tỏ hiệu quả kinh doanh, cũng như khả năng khai thác tốt tiềm năng thị trường của nhóm ngành ngân hàng.

Trên thực tế, lương thưởng nhân viên ngân hàng có sự cải thiện rõ rệt trong những năm trở lại đây, nhất là năm 2018. Số liệu về thu nhập bình quân nhân viên do các nhà băng công bố mới đây đã phần nào cho thấy điều này. Theo thống kê từ các cáo tài chính năm 2018, có ít nhất 3 ngân hàng trong nước đã chi trả thu nhập bình quân cho người lao động trên 30 triệu đồng mỗi tháng, bao gồm Vietcombank, Techcombank và MB.

Nhiều ngân hàng khác chi trả bình quân từ 20 - 30 triệu đồng/tháng có thể kể đến như VIB, VietinBank, BIDV, VPBank, HDBank… Ở các ngân hàng 100% vốn nước ngoài, mức thu nhập còn cao hơn. Chẳng hạn, nhân viên tại HSBC Việt Nam có mức thu nhập bình quân năm 2018 là 50 triệu đồng/tháng.

Nhiều ngân hàng đã tăng mạnh thu nhập cho nhân viên trong năm qua. Đơn cử, tại MB, thu nhập bình quân/người của nhà băng này tăng hơn 4 triệu đồng/tháng lên 30,09 triệu/tháng. Hay ở TPBank, con số này tăng hơn 5 triệu đồng/tháng lên 23,93 triệu đồng/tháng; VIB tăng gần 3 triệu đồng/tháng lên 22,91 triệu đồng/tháng...

Tăng cường chính sách giữ người tài

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tổng số nhân lực làm việc trong ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2020 dự kiến đạt 300.000 người. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam nỗ lực nắm bắt xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định, việc bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên trong ngành ngân hàng có đủ trình độ vận hành, làm chủ công nghệ mới là không dễ dàng. Do đó, các ngân hàng sẽ phải chịu áp lực lớn hơn trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao so với các doanh nghiệp khác.

Để thu hút, cũng như giữ chân nhân tài, ngoài mức lương cao, các ngân hàng còn có nhiều chế độ đãi ngộ khác như mua bảo hiểm giá trị cao, tổ chức các tour du lịch trong và ngoài nước, thưởng tiền mặt...

Ông Lê Huỳnh Hoa, Giám đốc Nhân sự Nam A Bank cho biết, hàng tháng, ngoài mức lương cơ bản, nhân viên các bộ phận kinh doanh còn được tham gia nhiều chương trình ưu đãi khác với những chính sách hấp dẫn để tăng năng suất và thu nhập.

"Với những nhân sự kinh doanh giỏi, việc đạt mức thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng là bình thường. Đây là thu nhập của nhân viên, chứ không phải lãnh đạo ngân hàng", ông Hoa chia sẻ.

Chị Nguyễn Minh Châu, chuyên viên Quan hệ khách hàng tại Nam A Bank - Chi nhánh Hòa Bình cho biết, do hoàn thành vượt các chỉ tiêu, thu nhập tháng vừa qua của chị đạt gần 80 triệu đồng. Trong những tháng tới, mục tiêu chị đặt ra là tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt kế hoạch được giao để giành suất đi du lịch nước ngoài trong hè này.

Đáng chú ý, những năm gần đây, bên cạnh các hình thức thưởng thông thường như thưởng tiền, đi du lich..., nhiều ngân hàng còn thực hiện thưởng cổ phiếu hoặc phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên.

Chẳng hạn, VIB năm 2018 dành gần 2 triệu cổ phiếu quỹ để thưởng cho cán bộ nhân viên với giá trị sổ sách là 44,5 tỷ đồng. Năm 2019, VIB còn mạnh tay hơn khi dùng tới 7,7 triệu cổ phiếu, giá trị theo thị giá khoảng 175 tỷ đồng để chia cho cán bộ nhân viên.

Tại ACB, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 đã thông qua phương án bán 6,22 triệu cổ phiếu quỹ để thưởng cho nhân viên. Giá bán dự kiến không thấp hơn giá vốn bình quân của cổ phiếu quỹ là 16.072 đồng/cổ phiếu, thấp hơn đáng kể so với thị giá hiện tại khoảng 30.000 đồng/cổ phiếu.

Mặc dù mức lương, thưởng khá hậu hĩnh, song với lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro như ngân hàng, nhất là với nhân viên tín dụng, việc thu hút nhân sự giỏi nghề không dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng chuyển dịch nhân sự, cũng như mức độ cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng gia tăng như hiện nay.

Tin liên quan
Tin khác