Ngân hàng - Bảo hiểm
Nhân sự "thượng tầng" của Eximbank thế nào sau đại hội đồng cổ đông 2020?
Vân Linh - 19/06/2020 09:36
Nhân sự cấp cao tại Eximbank lâu nay luôn là điểm nóng, thì lại càng nóng hơn khi đại hội cổ đông thường niên 2020 và bất thường của nhà băng này sắp diễn ra.

Đối tác nước ngoài yêu cầu cắt giảm quy mô HĐQT

HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB) vừa có thông báo, dự kiến Ngân hàng sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 vào sáng ngày 30/6 và chiều cùng ngày là họp cổ đông bất thường, sau khi tổ chức bất thành nhiều lần trong năm 2019. Cả hai cuộc họp đều diễn ra tại Trung tâm Hội nghị White Palace.

Trước đó, ngân hàng dự kiến tổ chức họp cổ đông bất thường vào ngày 5/3/2020 và ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 22/4. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19 và thực hiện quy định giãn cách xã hội, ngân hàng đã thông báo dời thời điểm tổ chức đại hội. Sau khi xin hoãn cuộc họp dự kiến hôm 5/3, đến ngày 17/4/2020, Eximbank đã thông báo bằng văn bản số 231/2020/EIB/TB-HĐQT tới cổ đông lớn SMBC về một số nội dung liên quan đến họp đại hội năm 2020.

Trong đó, Eximbank cho biết đang xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và đề xuất muốn được tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản đối với các nội dung của đại hội được pháp luật và điều lệ ngân hàng cho phép. Các nội dung còn lại của đại hội bất thường sẽ được bổ sung vào nội dung ĐHĐCĐ thường niên 2020 khi được phép tổ chức.

Tuy nhiên, đối tác chiến lược nước ngoài của Eximbank là Tập đoàn Sumitomo Mitsui - SMBC (Nhật Bản) không đồng ý với phương án lấy ý kiến bằng văn bản.

Ngày 28/4, SMBC đã có phản hồi về thông báo số 231 của Eximbank cho rằng, 2 trong số vấn đề họp mà SMBC yêu cầu là bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh và cắt giảm quy mô HĐQT, bỏ phiếu "Không bãi nhiệm" hay "Bãi nhiệm" đối với từng thành viên HĐQT phải được quyết định tại một cuộc họp cổ đông và không thể được thông qua hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.

Do đó, SMBC giữ ý kiến là cần triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường riêng biệt với các cuộc họp cổ đông khác.

Sau phản hồi của SMBC, đến ngày 2/6, Eximbank có văn bản trả lời SMBC và khẳng định Ngân hàng chưa ban hành bất cứ quyết định nào về việc đại hội bất thường thông qua hình thức lấy ý kiến bằng văn bản. HĐQT đã báo cáo và đang chờ ý kiến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, cùng các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về việc này. 

Hoạt động HĐQT thiếu nhịp nhàng

Trong khi đó, Ban kiểm soát Eximbank có kiến nghị rằng: "'Hoạt động HĐQT ngân hàng thiếu nhịp nhàng". Liên quan đến hoạt động của HĐQT, Ban Kiểm soát Eximbank đánh giá trong nhiệm kỳ qua đặc biệt là năm 2019, HĐQT thiếu nhịp nhàng, các thành viên còn nhiều ý kiến trái chiều, gây tranh cãi. 

Các cuộc họp thường xuyên kéo dài, không đưa ra được quyết định cuối cùng, dẫn đến việc chậm ra quyết định đối với các vấn đề hệ trọng của ngân hàng, điển hình là vấn đề bổ nhiệm tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, tổ chức đại hội cổ đông, yêu cầu của cơ quan thanh tra giám sát... đã dẫn đến Eximbank bị xử phạt hành chính về vấn đề này và gây ảnh hưởng đến hình ảnh của ngân hàng.

Ban Kiểm soát cho rằng, đây cũng là bài học sâu sắc để HĐQT phải rút kinh nghiệm tránh lặp lại trong nhiệm kỳ tới. 

Về phương án phân phối lợi nhuận, toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2018 là 704 tỷ đồng và năm 2019 là 1.380 tỷ đồng sẽ được giữ lại để xử lý nợ xấu đến khi toàn bộ phần trái phiếu đặc biệt VAMC gia hạn được thanh toán. 

Eximbank được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tổng thời gian gia hạn và thời gian gốc là 10 năm từ ngày phát hành đối với các trái phiếu phát hành từ năm 2015 trở về trước, chưa được thanh toán hết vào cuối năm 2019.

Đến thời điểm này, Eximbank cho biết đã có sự chuẩn bị và sẽ trình Ngân hàng Nhà nước về việc bầu thành viên HĐQT và thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ VII (2020-2025). Tuy nhiên, một trong những nội dung quan trọng nhất tại cuộc họp bất thường lần này sẽ là về vấn đề nhân sự. Đây cũng là vấn đề được các cổ đông nhỏ, lẻ của Eximbank quan tâm. Bởi chính việc nhân sự cấp "thượng tầng" của Eximbank chưa tìm được sự đồng thuận đã tác động đến hoạt động của Ngân hàng. 

Câu chuyện về nhân sự cấp cao của Eximbank lâu nay vẫn là vấn đề “nóng”. Ghế “nóng” của ngân hàng này cũng liên tục thay đổi trong thời gian ngắn vừa qua, kể từ khi ông Lê Hùng Dũng, nguyên Chủ tịch Eximbank kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 4/2015.

Sau đó, ông Lê Minh Quốc được bầu vào vị trí ghế “nóng” Eximbank. Thêm vào đó, câu chuyện giữa Eximbank-Nam A Bank luôn “nóng” được nhiều người quan tâm khi bà Lương Cẩm Tú, cựu CEO Nam A Bank người đại diện phần vốn Nam A Bank tại Eximbank sau một thời gian tham gia HĐQT Eximbank được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank ngày 22/3/2019.

Tuy nhiên, ông Lê Minh Quốc không đồng ý với quyết định để bà Tú làm Chủ tịch. Ông Quốc cũng ngay lập tức gửi đơn kiện lên tòa án và đến ngày 27/3, Tòa án nhân dân TP.HCM đã ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc HĐQT Eximbank phải dừng thực hiện Nghị quyết về việc bầu bà Tú làm Chủ tịch HĐQT Eximbank cho đến khi giải quyết xong vụ án.

Tác động lên hoạt động kinh doanh

Giữa lúc mâu thuẫn các nhóm cổ đông lớn ngày càng lớn, cuộc họp đại hội cổ đông thường niên ngày 26/4/2019 của Eximbank phải hoãn lại vì chỉ có hơn 57% số cổ đông có quyền biểu quyết tham dự, không đủ túc số theo quy định.

Từ cuối tháng 3-5/2019, ghế “nóng” Eximbank đã lần lượt trong tay ông Lê Minh Quốc, bà Lương Thị Cẩm Tú, rồi lại trở về tay ông Quốc và hiện tại đến ông Cao Xuân Ninh. Tuy nhiên, ông Ninh cũng từng có đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch Eximbank từ giữa tháng 7/2019, nhưng sau đó tiếp tục điều hành cho đến nay.

Thế nhưng, nhiều thông tin xuất hiện trên thị trường cho rằng, khả năng đại hội cổ đông Eximbank vẫn phải đợi đến phút cuối mới biết có thành công hay không. Nguyên nhân, do sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn kéo dài, chưa tìm được tiếng nói chung.

Đó cũng chính là mấu chốt khiến hoạt động của Eximbank rơi vào khó khăn. Ngân hàng hoạt động cầm chừng, thậm chí sau khi bị thanh tra năm 2015, còn phải ghi nhận lỗ lũy kế hơn 800 tỷ đồng và cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 8/4/2016 do lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2014 đã bị điều chỉnh hồi tố từ 114,01 tỷ đồng xuống âm 834,56 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2015 là âm 817,47 tỷ đồng.

Đến năm 2017, Eximbank làm ăn tốt hơn với khoản lãi ngàn tỷ đồng, bắt đầu khắc phục được lỗ lũy kế và cổ phiếu được đưa ra khỏi diện cảnh báo. Tuy nhiên, đầu năm 2018, khó khăn lại ập đến bởi sự cố mất tiền của các khách VIP, làm ảnh hưởng đến uy tín của Ngân hàng và niềm tin của khách hàng.

Hoạt động kinh doanh của Eximbank tăng trưởng trở lại trong 2 năm qua, song vẫn có khó khăn nhất định khi chưa ổn định được nhân sự cấp "thượng tầng".

Năm 2019, Eximbank đạt hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và quý 1/2020 đạt khoảng 500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lãnh đạo nhà băng này cho hay, ước quý 2/2020 lợi nhuận trước thuế của Eximbank chỉ còn phân nữa.

Eximbank vừa điều chỉnh giảm mạnh 40% lợi nhuận so với kế hoạch ban đầu do ảnh hưởng từ Covid-19 nhưng vẫn đảm bảo các chỉ số an toàn theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, năm 2020, Eximbank đặt mục tiêu cắt giảm mạnh chi phí hoạt động 326 tỷ đồng (giảm hơn 11% so với kế hoạch ban đầu năm 2020), huy động vốn đạt 147.800 tỷ đồng (giảm 8% so với kế hoạch 2020) và dư nợ cấp tín dụng đạt 122.275 tỷ đồng (giảm 4% so với kế hoạch năm 2020). 

Đặc biệt, theo kế hoạch điều chỉnh, chi phí dự phòng đã trích chủ động tăng 414 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu.  Với các nội dung điều chỉnh như trên, kế hoạch lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm 10,3%. 

Kế hoạch xử lý các tài sản thế chấp của khách hàng có nợ xấu, nợ VAMC theo kế hoạch đầu năm buộc phải giãn tiến độ sang năm tiếp theo, khiến tổng kế hoạch lợi nhuận Eximbank trước thuế là 1.318 tỷ đồng, giảm mạnh 40% so với kế hoạch đầu năm 2020, nhưng vẫn tăng 22% so với kết quả đạt được năm 2019. 

Tin liên quan
Tin khác