Chuyển động thị trường
Nhấp nhổm bảng giá đất
Trọng Tín - 26/09/2024 09:42
Công văn số 5635/UBND-ĐT, ngày 21/9/2024 về giải quyết nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai trên địa bàn mà UBND TP.HCM vừa ban hành được xem là “liều thuốc trợ tim” cho hàng chục ngàn người đang chờ thông báo nộp thuế từ cơ quan thuế của Thành phố.
Ảnh minh họa

Thời gian qua, do UBND TP.HCM chưa ban hành bảng giá đất điều chỉnh, nên hơn 15.000 hồ sơ tính thuế chuyển nhượng; cho, tặng bất động sản và chuyển mục đích sử dụng đất của người dân Thành phố bị “ngâm”.

Hệ lụy là vài chục ngàn người luôn trong trạng thái thấp thỏm, lo lâm vào cảnh kiện tụng vì vi phạm hợp đồng, mất tiền cọc… Thị trường bất động sản, nhất là thị trường thứ cấp cũng đìu hiu trước thông tin Thành phố dừng tính thuế. Phần lớn hoạt động trên thị trường bất động sản, từ sang nhượng thứ cấp, các giao dịch đất nền, nhà riêng… đều tạm dừng để chờ hướng dẫn.

Trước đây, các hồ sơ tính nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai trên địa bàn Thành phố được tính dựa trên bảng giá đất hiện hành nhân với hệ số K.

Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2024 bỏ hệ số K, tức Thành phố sẽ tính thuế điều chỉnh trên cơ sở bảng giá cũ và không nhân với hệ số K. Việc này khiến tiền thuế tính ra thấp hơn, cơ quan thuế lo bị quy làm thất thoát ngân sách.

Ngành thuế, vì vậy, buộc phải chờ bảng giá đất điều chỉnh để làm căn cứ tính thuế.

Song trước phản ứng của thị trường, trong khi chờ ban hành bảng giá đất điều chỉnh, TP.HCM buộc phải quay về quy trình cũ, tức cho phép các cơ quan thuế sử dụng bảng giá đất hiện hành nhân với hệ số K như đã thực hiện trước ngày 1/8/2024 để giải quyết nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai cho đến khi có bảng giá đất mới. Như vậy, sau gần 2 tháng mong ngóng, những hồ sơ đất đai còn tồn do phải chờ bảng giá đất điều chỉnh để làm căn cứ tính thuế tại TP.HCM sẽ chính thức được khai thông.

Phải nhấn mạnh rằng, mục tiêu của Chính phủ và kỳ vọng của Quốc hội khi đưa Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực trước 5 tháng là nhằm khơi thông thủ tục, giải quyết các bất cập về nhà, đất cho doanh nghiệp và người dân. TP.HCM dù nhận diện sớm vấn đề khi “chậm ban hành bảng giá đất điều chỉnh”, nhưng lại là nơi để xảy ra ùn ứ hồ sơ.

Điều đáng nói ở đây, là việc TP.HCM áp dụng lại quy trình cũ. Nếu thống nhất được ngay từ đầu, thì hàng chục ngàn hồ sơ nhà đất đã không bị dồn ứ, giao dịch nhà đất bớt bị ảnh hưởng, người dân không phải sống trong lo lắng nợ nần, vi phạm hợp đồng… bởi lỗi do thủ tục hành chính gây ra.

Thực tế, thủ tục hành chính cần có tính liên tục, nên việc cơ quan thuế TP.HCM ngưng tính thuế là vi phạm nguyên tắc cơ bản, bởi khi bảng giá đất điều chỉnh của Thành phố chưa được ban hành, thì bảng giá đất cũ vẫn còn hiệu lực. Cho đến nay, chưa ai lên tiếng chịu trách nhiệm cho việc này!

TP.HCM đang bước vào giai đoạn cuối để xem xét, ban hành bảng giá đất điều chỉnh. Vấn đề mà người dân quan tâm nhất hiện nay là Thành phố sẽ chính thức áp dụng giá nào. Liệu TP.HCM có sử dụng cách tính lấy bảng giá hiện hành nhân hệ số K mà Thành phố cho phép ngành thuế áp dụng hay không, khi đây cũng là cách mà nhiều địa phương, trong đó có Bà Rịa - Vũng Tàu đang làm?

Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong số ít địa phương phía Nam vừa ban hành bảng giá đất điều chỉnh (có hiệu lực từ ngày 17/9/2024) và được đánh giá là không gây xáo trộn cho người dân, doanh nghiệp. Phương pháp được địa phương này áp dụng khá đơn giản. Đó là lấy bảng giá đất cũ nhân với hệ số K.

Phương án trên từng được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đưa ra, song theo lý giải của cơ quan xây dựng dự thảo bảng giá đất điều chỉnh, là kết quả vẫn khá thấp so với giá thực tế trên địa bàn Thành phố.

Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cũng đã họp và ra kết luận với chủ trương cho phép Thành phố điều chỉnh bảng giá đất như dự thảo lấy ý kiến. Đồng thời, yêu cầu phải hết sức cẩn trọng, xem xét kỹ lưỡng, tiếp tục theo dõi và đánh giá tác động một cách toàn diện, lắng nghe, tiếp thu, nghiên cứu chọn phương án tối ưu, phù hợp với tình hình thực tế.

Như vậy, vấn đề còn lại với TP.HCM hiện nay là cơ quan xây dựng dự thảo bảng giá đất điều chỉnh cần rà soát, cân chỉnh, xác định các mức giá phù hợp, để làm sao vừa đảm bảo đúng quy định pháp luật, vừa sát với thực tế, đặc biệt là không gây xáo trộn và phải tạo được sự đồng thuận trong dân.

Tin liên quan
Tin khác