Tăng sự hiện diện
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho biết, trong 3 tháng đầu năm, tỉnh này đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 31 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư hơn 314 triệu USD, trong đó có 15 dự án cấp mới có tổng vốn gần 137 triệu USD và 16 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm hơn 177 triệu USD.
Nhật Bản là một trong hai quốc gia đang dẫn đầu trong rót vốn đầu tư vào Đồng Nai từ đầu năm đến nay. Lĩnh vực mà các doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Đồng Nai chủ yếu là công nghiệp hỗ trợ. Đây cũng là lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên mời gọi đầu tư nhằm tăng tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu đầu vào cho các doanh nghiệp, giảm nhập khẩu.
Các nhà đầu tư Nhật Bản chọn Đồng Nai là điểm đến để đầu tư, chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, điện, điện tử, cơ khí, máy móc |
Trong buổi làm việc mới đây với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, ông Toru Asai, Giám đốc phụ trách quốc tế của Cục Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp vùng Kansai (Nhật Bản) cho biết, các nhà đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Việt Nam đều không có thông tin của nhau để kết nối làm ăn. Do đó, ông đề xuất xây dựng khung của Hiệp định Hỗ trợ nguồn nhân lực cho tỉnh Đồng Nai sắp tới.
Theo đó, các học viên do Đồng Nai lựa chọn sẽ đến Nhật Bản để tham quan mô hình hoạt động đã rất thành công tại vùng Kansai, sau đó, phía Nhật Bản sẽ cử chuyên gia sang huấn luyện cho các học viên để triển khai tại tỉnh Đồng Nai. Ông Toru Asai cho rằng, nếu thành công, đây là sẽ là mô hình đầu tiên tại Việt Nam hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
“Khoảng 3 năm trở lại đây, doanh nghiệp Nhật Bản đến Đồng Nai đầu tư khá đông. Ngoài Khu công nghiệp Long Đức chủ yếu thu hút doanh nghiệp Nhật Bản, tại các khu công nghiệp khác, tỉnh cũng hình thành những phân khu để mời gọi doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản vào đầu tư”, ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý Khu công nghiệp Đồng Nai nói và cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Đồng Nai chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, điện, điện tử, cơ khí, máy móc...
Tìm hiểu, mở rộng đầu tư
Từ đầu năm đến nay, liên tục có doanh nghiệp và chính quyền các địa phương của Nhật Bản đến Đồng Nai tìm hiểu cơ hội đầu tư. Hồi đầu năm, 22 doanh nghiệp của TP. Sakai, tỉnh Osaka hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, thép, điện, điện tử… đã đến Đồng Nai tham quan các khu công nghiệp Amata, Long Đức… để tìm hiểu chính sách và cơ hội đầu tư.
Gần đây, Công ty cổ phần Giải pháp môi trường Kobelco thuộc Tập đoàn Thép Kobe đã đề xuất với chính quyền Đồng Nai việc đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước sạch của tỉnh. Kobelco vào Việt Nam từ cuối năm 2010 với lĩnh vực hoạt động chính là xử lý nước, nước thải, tái chế, xử lý chất thải, vận hành và bảo trì. Tại Đồng Nai, Công ty đã tham gia đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Loteco và Khu công nghiệp Long Đức.
Theo các chuyên gia, việc Việt Nam đã và đang tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản.
Riêng tại Đồng Nai, từ khi FTA với Nhật Bản có hiệu lực, hà̀ng hóa xuất khẩu vào nước này tăng cao so với trước đây. Cụ thể, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đồng Nai vào Nhật Bản là hơn 1,5 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm trước và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của địa phương này. Mấy năm trở lại đây, các doanh nghiệp ở Đồng Nai đã chú ý khai thác các đơn hàng từ thị trường Nhật để được hưởng ưu đãi về thuế.
Đại diện Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam (Nhật Bản) nhận xét, sau khi 2 nước ký FTA, khoảng 50% sản phẩm của Công ty xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản được hưởng các ưu đãi, giúp hàng hóa cạnh tranh tốt hơn nên sản xuất cũng tăng 13%/năm. Hiện bình quân hàng tháng, Công ty xuất khẩu 35-45 triệu sản phẩm động cơ, thiết bị điện tử (doanh thu khoảng 20 triệu USD) sang nhiều thị trường. Với việc Việt Nam tham gia nhiều FTA, chắc chắn, Công ty sẽ mở rộng sản xuất nguyên liệu để giảm nhập khẩu, đáp ứng các đơn hàng của đối tác.