Đầu tư
Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa
- 09/12/2016 17:36
Chưa bao giờ, quan hệ đầu tư, thương mại và hợp tác phát triển chính thức Việt Nam và Nhật Bản lại tốt đẹp như hiện nay. Báo Đầu tư xin trích đăng bài viết của tân Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kumio về vấn đề này.
TIN LIÊN QUAN

Quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam được tăng cường thuận lợi cùng với sự phát triển của quan hệ song phương tốt đẹp trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước. So với 10 năm trước, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đã tăng gấp 3 lần (từ 9,933 triệu USD năm 2006 lên 28,506 triệu USD năm 2015). Từ sau năm 2012, mỗi năm, số dự án đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam luôn duy trì ở mức hơn 300 dự án. Nhật Bản chiếm 14% trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Số lượng doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng, từ 441 doanh nghiệp (năm 2005) lên tới 1.550 doanh nghiệp trong năm 2016. Ngoài ra, dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới. “Sáng kiến chung Nhật - Việt” bắt đầu từ năm 2003 đã triển khai thực hiện Giai đoạn VI vào năm nay. Cho đến nay, bằng việc thực hiện trên 80% trong tổng số trên 470 hạng mục đề ra, “Sáng kiến chung Nhật - Việt” đã và đang tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam.

.

Theo kết quả điều tra khảo sát ý kiến của các doanh nghiệp Nhật Bản, do Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) thực hiện, từ năm 2011, Việt Nam luôn nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu. Lý do được doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, Việt Nam là quốc gia nhiều tiềm năng, bởi Việt Nam có kết cấu hạ tầng đang được hoàn thiện, tình hình chính trị ổn định, khả năng tăng trưởng của thị trường trong nước cùng với tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, chứ không chỉ bởi nguồn lao động giỏi, chi phí thấp như trước đây.

Trong lĩnh vực ODA, nhiều năm qua, Nhật Bản luôn là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam với mục tiêu phát triển bền vững, thông qua việc giúp Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế, vượt qua khó khăn và xây dựng một xã hội công bằng, văn minh. Bằng cách này, Nhật Bản đã và đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện tốt mục tiêu công nghiệp hóa đất nước, mục tiêu quốc gia trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước.

Đặc biệt, những công trình kết cấu hạ tầng chủ chốt mà Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ Việt Nam xây dựng như Nhà ga quốc tế Sân bay Nội Bài, cầu Nhật Tân, đã và đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của đất nước, được đông đảo nhân dân coi là biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai nước.

Vì vậy, tôi tin rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển kinh tế ấn tượng. Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua các dự án ODA để có thể phát huy tối đa tiềm năng trong tương lai.

Bên cạnh đó, cũng còn tồn tại một số vấn đề. Việt Nam đã chuẩn bị các biện pháp ưu đãi đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực, trong đó có chính sách ưu đãi thuế. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là Việt Nam cần tiếp tục minh bạch hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để áp dụng các biện pháp ưu đãi này.

Ý thức tuân thủ của doanh nghiệp Nhật Bản rất cao, các doanh nghiệp Nhật Bản đều tuân thủ đầy đủ các thủ tục mà luật pháp Việt Nam yêu cầu. Mặt khác, doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, hệ thống pháp luật chưa rõ ràng, thủ tục hành chính rườm rà và phức tạp, việc giải quyết thủ tục hành chính một cách tùy tiện… đang làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam với vai trò là một địa điểm đầu tư. Vấn đề này đang gây trở ngại lớn đối với doanh nghiệp chế tạo vừa và nhỏ của Nhật Bản.

Việc đảm bảo khả năng dự báo kinh doanh và tính ổn định về mặt pháp lý tại Việt Nam là vô cùng quan trọng. Tôi cho rằng, xét cả về mục đích nâng cao hơn nữa sức hấp dẫn là một điểm đến đầu tư, thì Việt Nam cần phải đứng trên quan điểm của phía tiếp nhận dịch vụ hành chính, xúc tiến đơn giản hóa và làm rõ các thủ tục hành chính trong thời gian tới.

Cuối cùng, tôi muốn gửi một thông điệp rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế, thì cần phải thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp tập trung vào các loại ngành mà Việt Nam đặc biệt mong muốn phát triển.

Tin liên quan
Tin khác