Nhật Bản là thị trường vốn tư nhân duy nhất ở châu Á - Thái Bình Dương đạt tăng trưởng trong năm 2023, với mức tăng 183% so với trung bình 5 năm trước. Nguồn: Bain & Company |
Theo Báo cáo vốn cổ phần tư nhân châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 được công ty tư vấn quản trị Bain & Company công bố hôm nay 25/3, thị trường vốn tư nhân khu vực năm 2023 không có bước đảo chiều ngắn hạn sau suy thoái như giới đầu tư kỳ vọng.
Giá trị các thương vụ giao dịch vốn ở châu Á - Thái Bình. Dương giảm còn 147 tỷ USD trong năm 2023, thấp hơn 35% so với mức trung bình 5 năm trước đó và thấp hơn 59% so với mức cao nhất năm 2021 là 359 tỷ USD. Giá trị giao dịch trượt xuống mức thấp nhất hàng năm kể từ năm 2014 và số lượng giao dịch giảm xuống dưới 1.300, thấp hơn 30% so với mức trung bình 5 năm trước đó là 1.849 giao dịch.
Diễn biến năm 2023 của thị trường vốn tư nhân khu vực châu Á - Thái Bình Dương phản ánh xu hướng toàn cầu bởi giá trị thỏa thuận mua lại toàn cầu trong năm đã giảm 34% so với mức trung bình 5 năm trước.
Tại Trung Quốc, nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng. Giá trị thương vụ giảm 58% so với mức trung bình 5 năm trước, kéo giảm thị phần của Trung Quốc trong tổng giá trị thương vụ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương xuống còn 28%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm trước là 43%.
Bất ổn kinh tế cũng ảnh hưởng đến các nhà đầu tư ở Australia - New Zealand, Đông Nam Á và Ấn Độ, nơi giá trị giao dịch giảm lần lượt 63%, 47% và 41%, so 5 năm trước. Đóng góp của ba thị trường này trong tổng giá trị giao dịch vốn ở khu vực đều giảm bởi ba thị trường này đều ghi nhận số lượng giao dịch ít hơn nhiều so với những năm trước.
Hàn Quốc ghi nhận kết quả tốt hơn so với các quốc gia khác ở châu Á -Thái Bình Dương khi giá trị giao dịch chỉ giảm 20% so với mức trung bình 5 năm trước.
Trong khi đó, Nhật Bản trở thành điểm sáng trên thị trường vốn tư nhân châu Á - Thái Bình Dương với nơi giá trị giao dịch tăng 183% so với mức trung bình 5 năm trước và vươn lên trở thành thị trường số 1 khu vực.
Các thương vụ lớn (có giá trị trên 1 tỷ USD) là yếu tố đòn bẩy lớn nhất của thị trường vốn tư nhân Nhật Bản, nâng tỷ trọng đóng góp của thị trường này vào tổng giá trị thương vụ giao dịch ở châu Á - Thái Bình Dương lên 30%, tăng gấp 4 lần so với mức trung bình 5 năm trước là 7%.
Thị trường Nhật Bản chiếm 63% giá trị các thương vụ lớn trong khu vực. Điển hình một số thương vụ lớn trong năm 2023 tại Nhật Bản như Japan Industrial Partners mua lại Toshiba với giá 16 tỷ USD (2,1 nghìn tỷ yên), JIC Capital mua JSR với giá 6,9 tỷ USD và một liên minh do JIC Capital dẫn đầu mua lại Shinko Electric Industries với giá 4,7 tỷ USD.
Một số yếu tố khác giúp Nhật Bản trở nên hấp dẫn nhà đầu tư hơn, chẳng hạn như nhiều công ty Nhật Bản đặt mục tiêu cải thiện hiệu suất đáng kể trong nước và các nhà quản trị doanh nghiệp gặp áp lực phải xử lý các tài sản không cốt lõi, thúc đẩy các hoạt động chia tách và thoái vốn.