Bên cạnh T+2, nhà đầu tư kỳ vọng sớm được thực hiện mua bán trong ngày |
Hướng tới mục tiêu này, từ ngày 1/1/2016, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) sẽ triển khai rút ngắn thời gian thanh toán từ sáng ngày T+3 xuống T+2, nhưng liệu các thành viên đã sẵn sàng?
Ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc CTCK Maritime (MSI) cho biết, để thực hiện rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 xuống T+2, MSI chỉ phải điều chỉnh tham số hệ thống, nghĩa là chỉ liên quan đến yếu tố kỹ thuật. Việc này không quá phức tạp.
Theo ông Huy, điều chỉnh thời gian thanh toán sớm hơn 1 ngày giúp khách hàng hưởng lợi như giảm được phí ứng trước tiền bán 1 ngày và tiền về đến tài khoản sớm hơn giúp nhà đầu tư chủ động hơn trong việc tìm kiếm các cổ phiếu khác để giao dịch, dù xét về bản chất thì việc giao dịch cổ phiếu không có thay đổi.
Trên thực tế, thay đổi thời gian thanh toán đồng nghĩa với thay đổi cơ chế thanh toán nên các CTCK sẽ phải điều chỉnh lại hệ thống thanh toán. Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc CTCK MB (MBS) chia sẻ, MSB đang xây dựng lại hệ thống để chuẩn bị cho việc thực hiện giảm thời gian thanh toán, dự kiến giữa tháng 12 có thể đưa vào vận hành.
Lãnh đạo MBS đánh giá, việc giảm thời gian thanh toán xuống T+2 giúp vòng quay vốn của NĐT tăng lên đáng kể do thời gian chứng khoán về tài khoản được rút ngắn. Trong khi đó, giải pháp cho phép giao dịch trong ngày (T+0) sẽ là lựa chọn tối ưu cho những NĐT theo trường phái đầu cơ ngắn hạn.
Thực tế, một bộ phận NĐT đang sử dụng các dịch vụ chưa chính thống cho việc mua bán chứng khoán tại ngày T+0 và nhu cầu sử dụng dịch vụ này là không nhỏ. Do đó, khi nghiệp vụ giao dịch trong ngày được cơ quan quản lý cho phép thực hiện trong thời gian tới, giao dịch chứng khoán sẽ sôi động, thanh khoản toàn thị trường sẽ tăng cao.
Một số CTCK khác như SSI, HSC, BVSC, VCBS… cho hay, hệ thống công nghệ của các công ty đều đã sẵn sàng để đáp ứng yêu cầu rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 xuống T+2.
Ông Vũ Quang Đông, Giám đốc VCBS cho rằng, giải pháp này sẽ tác động tích cực tới TTCK. Bởi lẽ, T+2 giúp gia tăng vòng quay vốn của NĐT, từ đó làm tăng tính thanh khoản của thị trường. Đặc biệt, khi các CTCK được thực hiện dịch vụ giao dịch trong ngày thì tác động tới thị trường sẽ tích cực hơn.
Có ý kiến cho rằng, khi thực hiện rút ngắn thời gian thanh toán, cần đánh giá kỹ tác động để tránh gây ra rủi ro cho các hoạt động của thị trường, đồng thời cần có thời gian đủ dài để chuẩn bị thực hiện.
Về vấn đề này, ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc VSD khẳng định, các điều kiện để triển khai rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán đã hội đủ. Hiện tại, công tác chuẩn bị về cơ bản đã hoàn tất, Dự thảo Quy chế hướng dẫn hoạt động bù trừ, thanh toán đã được VSD công bố, các chức năng của hệ thống phần mềm đã được VSD hiệu chỉnh và sẵn sàng cho việc triển khai theo đúng kế hoạch từ 1/1/2016.
Trước đó, từ tháng 9/2012, VSD đã có bước cải tiến về quy trình thanh toán bằng việc chuyển thời gian hoàn tất thanh toán (chuyển giao tiền và chứng khoán giữa bên mua và bán) từ chiều ngày T+3 lên trước 9 giờ sáng ngày T+3, giúp NĐT có thể giao dịch mua, bán chứng khoán ngay trong ngày T+3 từ số tiền và chứng khoán nhận được trong sáng ngày T+3.
Cùng với việc điều chỉnh này, theo quy định của VSD, NĐT bên mua phải chuyển tiền mua chứng khoán vào tài khoản của thành viên bên mua mở tại ngân hàng thanh toán là BIDV vào chiều ngày T+2 để đảm bảo cho việc thanh toán được thực hiện vào sáng ngày T+3, thay vì thời gian chuyển tiền thanh toán là vào sáng ngày T+3 như quy trình thanh toán cũ.
Trên thực tế, việc giảm thời gian thanh toán về 16h30 chiều ngày T+2, dự kiến áp dụng từ đầu năm 2016 là một giải pháp kỹ thuật để TTCK Việt Nam tiến tới thông lệ quốc tế. Xét ở góc độ NĐT, việc giảm thời gian thanh toán giúp giảm phí ứng trước 1 ngày, tiền về tài khoản sớm hơn 1 ngày, nhưng đối với cổ phiếu mua vào thì vẫn phải chờ đến 9h sáng ngày T+3 mới được đặt bán. Tuy nhiên, xét về dài hạn, khi thị trường kéo dài thời gian giao dịch, triển khai giao dịch cả ngày, thì NĐT sẽ hưởng lợi nhiều hơn.
Tất nhiên, những giải pháp kỹ thuật được đánh giá sẽ phát huy tác dụng trong bối cảnh nền kinh tế thuận lợi, tâm lý NĐT lạc quan, dòng tiền chảy vào kênh chứng khoán tốt. Nếu các yếu tố cơ bản không tốt thì giải pháp kỹ thuật cũng khó mang lại kết quả tối ưu.