Chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh Bình Định 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ 2022. Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Định. |
Cục Thống kê tỉnh Bình Định cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2023 của tỉnh chỉ tăng 0,92% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (giai đoạn 2019-2022 tăng lần lượt 7,91%; 4,81%; 6,91%; 6,58%).
Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bình Định cũng đề cập đến tình hình sản xuất khó khăn của nhiều doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng sự tăng trưởng của nhiều chỉ tiêu kinh tế của tỉnh.
Cụ thể, sản xuất da và sản phẩm có liên quan giảm 25,99 % do Công ty cổ phần Giày Bình Định nhận ít đơn hàng, chỉ sản xuất cầm chừng. Từ tháng 6/2023 đến hết tháng 9/2023, Công ty này đang dần hết đơn hàng, thu hẹp sản xuất.
Đáng lo ngại, Cục Thống kế cũng dự báo quý III/2023, sản xuất giày dép có xu hướng tiếp tục giảm so với cùng kỳ.
Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 6,39%, chủ yếu do sản phẩm tấm lợp bằng kim loại giảm 32,03%, cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại giảm 21,75%. Nguyên nhân được nêu là bất động sản đang đóng băng đã tác động đến lĩnh vực xây dựng, ảnh hưởng đáng kể đối với nhu cầu thép trong năm 2023.
Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Hoa Sen - Nhơn Hội cắt giảm sản lượng, chỉ sản xuất tiêu thụ nội địa, không xuất khẩu và chờ ý kiến cân đối chỉ tiêu sản xuất từ Tập đoàn Hoa Sen.
“Trong 8 tháng năm 2023, các doanh nghiệp ngành sản xuất bàn ghế xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu những lô hàng cuối cùng và đóng cửa nhà máy; chỉ một số ít nhà máy có đơn hàng hoặc chấp nhận sản xuất đón đầu lượng nhỏ hàng hóa để giữ một bộ phận công nhân, người lao động”, Cục Thống kê tỉnh Bình Định cho biết.
Theo đó, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 19,66%. Do đây là nhóm ngành chiếm tỷ trọng cao thứ 2 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và đang giảm mạnh đã ảnh hưởng đến một số ngành công nghiệp phụ trợ, tác động rất lớn đến chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh Bình Định.
Lĩnh vực nông nghiệp cũng ghi nhận gặp khó khăn khi sản xuất giống tôm thẻ chân trắng 8 tháng ước đạt 1.385,8 triệu con, giảm 64% ( giảm 2.463,8 triệu con) so với cùng kỳ.
Nguyên nhân khiến tôm thẻ chân trắng giảm mạnh chủ yếu do thị trường tiêu thụ trong khu vực giảm, dẫn đến từ đầu tháng 5 đến tháng 8, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam - chi nhánh Bình Định tạm ngưng sản xuất.
Tuy vậy, Cục Thống kê cũng ghi nhận nhiều tín hiệu cực đối với sản xuất doanh nghiệp.
Trong đó, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 27% gồm dược phẩm khác chưa phân vào đâu tăng 35,97%; dung dịch đạm huyết thanh tăng 28,55%.
Điều này đến từ hai doanh nghiệp dược lớn của Bình Định là Công ty cổ phần Dược - TTB Y tế Bình Định và Công ty cổ phần Fresenius Kabi Việt Nam đang hoạt động sản xuất ổn định đáp ứng mục tiêu tăng trưởng vì đã được gia hạn đăng ký lưu hành các loại thuốc nên nhận được nhiều đơn hàng ngay từ đầu năm, thúc đẩy doanh nghiệp dược phẩm đẩy mạnh sản xuất ở tất cả các dây chuyền để phục vụ nhu cầu cho thị trường.
Trong tháng 8/2023, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ tại Bình Định đã bắt đầu có đơn hàng mới và tập trung thu mua gỗ nguyên liệu để phục vụ đủ cho sản xuất trở lại. Trong ảnh: xe tải chở gỗ nguyên liệu xếp hàng chờ nhập hàng cho nhà máy sản xuất tại KCN Long Mỹ. |
Ngoài ra, trong tháng 8/2023, doanh nghiệp ngành sản xuất bàn ghế xuất khẩu có tín hiệu đơn hàng mới khi các doanh nghiệp này bắt đầu tuyển dụng lao động mới, kêu gọi 1 số lao động cũ quay lại làm việc, sản lượng sản xuất tăng cao so với tháng 7/2023.
“Mặc dù đơn hàng mới còn khá khiêm tốn, nhưng đây vẫn là xu hướng tích cực, tín hiệu lạc quan vào sự phục hồi của ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng cao thứ 2 của Bình Định”, Cục Thống kê đánh giá.