Theo kết quả khảo sát, 55% doanh nghiệp Đức cho biết họ có kế hoạch tăng vốn đầu tư tại Việt Nam, cao hơn tỷ lệ 44% toàn Đông Nam Á cũng như của tỷ lệ 52% của năm 2018 |
Ngày 20/6, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK Việt Nam) đã công bố kết quả cuộc khảo sát về những nhận định và kỳ vọng của các nhà đầu tư Đức tại Việt Nam và trên thế giới với tên gọi “AHK World Business Outlook 2019”.
Cuộc khảo sát vừa được thực hiện vào tháng 4/2019 với sự tham dự của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam tới từ các ngành, lĩnh vực như: Công nghiệp/xây dựng 30%, dịch vụ 27%, thương mại 43%. 42% trong số đó là các doanh nghiệp Việt Nam ít hơn 100 nhân viên, 21 doanh nghiệp tầm trung với không quá 1.000 nhân viên, 37% còn lại là các doanh nghiệp lớn với hơn 1.000 nhân viên.
Kết quả khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp Đức vẫn tiếp tục nhìn nhận tích cực về tình hình phát triển của doanh nghiệp mình cũng như triển vọng tăng trưởng trong năm 2020, mặc cho những bất ổn của kinh tế toàn cầu do căng thẳng thương mại leo thang.
Cụ thể, 77% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đánh giá tình hình doanh nghiệp của mình tốt lên trong năm nay, trong khi chỉ có 56% nhận định khả quan vào năm 2018. Chỉ số này cao hơn nhiều so với chỉ số trung bình của các nước Đông Nam Á (61%).
2018 được đánh giá là năm thành công với nền kinh tế Việt Nam, thể hiện qua các con số về tăng trưởng tích cực như GDP của nền kinh tế tăng 7,1%, FDI đạt 13 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt con số kỷ lục 465 tỷ USD, xuất siêu hơn 7 tỷ USD.
Chính phủ Việt Nam tỏ rõ thiện chí trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài, Thêm vào đó hàng loạt FTA mà Việt Nam tham gia như CPTPP hay EVFTA là những nhân tố thúc đẩy sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Những yếu tố trên đã hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp FDI trong đó có doanh nghiệp Đức phát triển hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
55% doanh nghiệp Đức cho biết họ có kế hoạch tăng vốn đầu tư tại Việt Nam, cao hơn tỷ lệ 44% toàn Đông Nam Á cũng như của tỷ lệ 52% của năm 2018.
Kết quả khảo sát cũng nêu rõ, so với các nước trong khu vực, Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp Đức và là quốc gia thu hút đầu tư tại khu vực. 59% nhà đầu tư Đức tại Việt Nam dự định tuyển thêm nhân sự trong năm 2019-2020 để phục vụ cho việc mở rộng đầu tư tại doanh nghiệp.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nạm – EU (EVFTA) đã kết thúc đàm phán cũng được các doanh nghiệp Đức kỳ vọng là lực đẩy để hoàn thiện khung pháp lý và chính sách kinh tế tại Việt Nam.
Dù vậy, những vấn đề không mới về môi trường kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực, sự gia tăng của chi phí nhân sự…vẫn làm đau đầu các doanh nghiệp Đức.
“Có đến 51% doanh nghiệp Đức nhận định chính sách kinh tế tại Việt Nam sẽ là một thách thức đối với sự phát triển của doanh nghiệp của họ trong vòng 1 năm tới. Những yếu tố khác như thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao (44%) và chi phí nhân sự tăng cao (31%) hay các rào cản thương mại (28%) cũng là các yếu tố gây lo ngại cho doanh nghiệp Đức trong trung hạn tại Việt Nam.
Ông Marko Walde, Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á được nhiều doanh nghiệp Đức chọn làm điểm đến trong kế hoạch đầu tư ra nước ngoài. Trong khi phần lớn các doanh nghiệp Đức đã có nhà máy tại Việt Nam bày tỏ ý định sẽ tăng vốn đầu tư.
"Đặc điểm của doanh nghiệp Đức là không mang tới Việt Nam những khoản đầu tư hàng tỷ USD, nhưng chúng tôi đều đầu tư dài hạn từ 25 - 30 năm, với những khoản chi lớn vào máy móc, thiết bị hiện đại nhất và mong muốn tham gia sâu vào nền kinh tế Việt Nam”, ông Marko Walde nhấn mạnh.
Một vấn đề không mới nhưng cũng khiến các nhà đầu tư Đức phiền lòng. Nhiều doanh nghiệp Đức cho rằng, câu chuyện thiếu lao động có tay nghề, lao động chất lượng cao làm khó cho họ trong việc tuyển dụng đáp ứng hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp. Hầu hết khi tuyển dụng được lao động rồi đều phải qua đào tạo lại.
“Mong muốn của các doanh nghiệp Đức là hệ thống trường đào tạo nghề tại Việt Nam được đầu tư mạnh hơn nữa để cung cấp cho doanh nghiệp lao động tay nghề cao. Giá nhân công tại Việt Nam sẽ không thể rẻ mãi, khi đáp ứng được nguồn nhân lực sẽ là mấu chốt giúp Việt Nam thu hút thêm được vốn FDI chất lượng hơn”, ông Marko Walde khuyến nghị.