Doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng
Thanh Thủy - 14/11/2020 09:12
Nhờ nỗ lực vượt qua Covid-19, nên kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp hiện đã sáng hơn rất nhiều so với hồi đầu năm. Không ít doanh nghiệp đã lấy lại đà tăng trưởng.
.

Hiện tượng Habeco

Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) trở thành cái tên gây bất ngờ trong mùa báo cáo tài chính quý III/2020. Cách đây nửa năm, như nhiều doanh nghiệp ngành bia, lượng cầu tiêu thụ sản phẩm của Habeco cùng lúc chịu áp lực từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó phạt nặng người tham gia giao thông sử dụng rượu bia và sự xuất hiện của Covid-19.

Khoản lỗ ròng 98 tỷ đồng lần đầu được Habeco ghi nhận kể từ khi cổ phần hóa. Nhưng ở quý III, con số lãi ròng của Habeco đạt 340,7 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Đồng thời, sau 9 tháng, Habeco hoàn thành 97% kế hoạch và cũng lấy lại đà tăng trưởng lợi nhuận, dù chỉ mới tăng 3,3%.

Habeco không phải trường hợp cá biệt. Bất chấp đợt bùng phát thứ hai của Covid-19, nhiều doanh nghiệp đang hồi phục với lợi nhuận tăng so với cùng kỳ, hay thậm chí lấy lại đà tăng trưởng sau 9 tháng.

Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 50 doanh nghiệp trong nhóm phi tài chính trên sàn ghi nhận lợi nhuận tăng trong 3 quý của năm, dù tăng trưởng âm trong nửa đầu năm. Habeco là doanh nghiệp có mức tăng lớn nhất so với quý III cùng kỳ, xét về giá trị tăng tuyệt đối. Còn xét về con số tương đối, cú bật mạnh nhất quý này phải kể đến Thủy điện A Vương, Viettronics Tân Bình, hay Ô tô Hàng Xanh… với mức tăng trưởng gấp nhiều lần cùng kỳ.

Những điểm sáng nổi bật không xuất hiện đơn lẻ, bức tranh chung kết quả kinh doanh quý III cũng ghi nhận sự phục hồi. Theo đánh giá dựa trên báo cáo của hơn 740 doanh nghiệp, chiếm 92,2% tổng vốn hóa thị trường của nhóm phi tài chính trên sàn, doanh thu và lợi nhuận các doanh nghiệp nhìn chung đã trở lại về gần mặt bằng trước khi xảy ra Covid-19.

Các ngành liên quan đến thị trường nội địa như bất động sản, thực phẩm và công nghệ thông tin là những nhóm hồi phục chủ yếu. Tổng doanh thu quý III/2020 chỉ còn giảm 2% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận sau thuế suy giảm 7,6%, trong khi 2 quý gần đây lần lượt giảm tới 34,8% và 35,4% so với cùng kỳ.

Thích ứng để lật ngược thế cờ

Bia Hà Nội và Bia Hà Nội - Hải Dương là hai doanh nghiệp ngành bia lấy lại tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng. Điều làm nên cú bật quý III đến từ việc tiết giảm chi phí. Sự phục hồi và tăng trưởng trở lại ấn tượng của Habeco nhờ cắt giảm 230 tỷ đồng (tương đương 40%) chi phí bán hàng chỉ riêng quý III.

Cùng với khả năng “khéo co thì ấm”, bài toán tìm đầu ra mới cũng có nhiều lời giải đột phá. Áp lực miếng bánh thị trường thu hẹp khiến Habeco đang tập trung mở rộng thị phần ở miền Trung và TP.HCM, vốn không phải là mảnh đất truyền thống lợi thế. Cái bắt tay mới đây giữa Habeco và Công ty Đầu tư Sao Thăng Long (mã DST) về hợp tác mua bán và phân phối sản phẩm bia hơi Hà Nội tại địa bàn 4 quận nội thành TP.HCM là bước đi tiếp theo cho chiến lược này.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi cơ cấu lại thị trường và sản phẩm để thích nghi với tình hình mới. Mặt hàng chủ lực của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang trước nay là bánh phồng tôm, nhưng đây lại không phải loại thực phẩm thiết yếu. Sa Giang đã chuyển sang tập trung sản xuất mặt hàng phụ là các sản phẩm từ gạo. Theo Tổng giám đốc Nguyễn Văn Kiệm, nhu cầu tăng cho phép Công ty tận dụng cơ hội để phát triển. Doanh thu thị trường xuất khẩu nhờ đó thậm chí còn tăng 33%, giúp quý III/2020, Công ty báo lãi gấp rưỡi cùng kỳ, đồng thời kéo tăng trưởng lợi nhuận 3 quý lên gần 10%.

Trên thị trường, vẫn có những thị phần được mở rộng trong giai đoạn này, đặc biệt nhờ hiệu ứng chính sách. Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex kỳ này báo lãi tăng tới 64%, ghi nhận quý thứ hai phục hồi sau khi lợi nhuận quý đầu năm rơi sâu nhờ sản lượng tiêu thụ nhựa đường tăng cao. Kết quả này cũng đã được nhiều đơn vị phân tích dự báo từ trước khi Chính phủ tập trung giải ngân vốn đầu tư công hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Quy định giảm 50% lệ phí trước bạ cho các dòng xe lắp ráp trong nước đi vào hiệu lực từ cuối tháng 6 là chính sách được Công ty Ô tô Hàng Xanh tận dụng tối đa. Lợi nhuận của Ô tô Hàng Xanh không những cao gấp 3,9 lần quý III/2019, mà còn giúp tăng trưởng 3 quý đầu năm tăng lên 43%.

Lợi thế yếu tố đầu vào hỗ trợ nhiều doanh nghiệp

Một lợi thế của nhiều doanh nghiệp thời điểm này là giá nguyên vật liệu giảm, qua đó cải thiện đáng kể biên lợi nhuận. Yếu tố thị trường trên tác động tích cực đến doanh nghiệp ngành bia và doanh nghiệp sản xuất như Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, hay các doanh nghiệp pin như Ắc quy Tia Sáng, Pin Hà Nội…

Nhóm doanh nghiệp thủy điện cũng hưởng lợi từ yếu tố đầu vào khi tình hình thủy văn bắt đầu cải thiện từ quý III. Đến hết nửa đầu năm, Thủy điện A Vương còn lỗ hơn 17 tỷ đồng, nhưng tình thế hiện đã lật ngược khi lợi nhuận 3 quý đầu năm đã tăng lên 53 tỷ đồng, hoàn thành 88% kế hoạch cả năm. Thủy điện Thác Bà và Thủy điện Sử Pán 2 cũng đã trở lại mức tăng trưởng lợi nhuận dương, tăng lần lượt 34% và 325% so với cùng kỳ.
Tin liên quan
Tin khác