Ngân hàng - Bảo hiểm
Nhiều mô hình Fintech đề xuất thử nghiệm cơ chế Sandbox còn mông lung
Thanh Thuỷ - 07/11/2019 13:59
Trong khi có quốc gia cho rằng việc yêu cầu fintech với đặc thù quy mô nhỏ, mới nghiên cứu ra các giải pháp thì việc đáp ứng được yêu cầu chặt chẽ của hoạt động ngân hàng là rất khó khăn. Nhiều quốc gia châu Âu lại đang quản lý rất chặt chẽ, đặt cao mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng. 5 yêu cầu đang được đưa ra buộc các mô hình FIntech phải đáp ứng mới có thể được áp dụng cơ chế sandbox.

Đề án Cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động Fintech đã trình Chính phủ lần 2 

Chia sẻ tại Tọa đàm “Thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam” sáng 7/11, ông Ngô Văn Đức, Phó trưởng Phòng Giám sát các hệ thống thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết NHNN trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng từ tháng 5 và tiếp tục trình lần 2 vào tháng 8 vừa qua.

Dự kiến, trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, NHNN phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng để Nghị định. Việc xây dựng cơ chế đối với fintech không giống nhau giữa các quốc gia. Trong khi tại Singapore đã có cơ chế sau vài tháng, nhiều quốc gia lại rất cẩn trọng. Như Hàn Quốc, đến tháng 4 vừa rồi cũng mới hoàn thiện quy định.

Ông Ngô Văn Đức, Phó trưởng Phòng Giám sát các hệ thống thanh toán 

"Fintech là lĩnh vực mới, biến đổi không ngừng. Có thể vài tháng sau đã có giải pháp mô hình khác hẳn".

Ông Đức cũng cho biết thêm đây là lĩnh vực khó khăn trong việc xác định phạm vi dịch vụ nên rủi ro chưa thể dự đoán, ảnh hưởng tới niềm tin và sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân. Chưa kể, sự gia tăng không ngừng của các dịch vụ xuyên biên giới, lợi dụng cho mục đích phi pháp (rửa tiền, tài trợ khủng bố…).

Xu hướng phát triển fintech rất nhanh và tất yếu nhưng vẫn tồn tại khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam. Việc chưa có khuôn khổ về thể chế quản lý gây khó khi xác định cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý chung; xây dựng đội ngũ cán bộ tiếp nhận và xử lý hồ sơ xin tham gia. Ngoài trung gian thanh toán, chưa có cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động fintech khác.

Bốn rào cản pháp lý đã được ông Đức chỉ ra, đặc biệt là rào chán thể chế khi quản lý hoạt động Fintech hiện chưa được đề cập tại bất kỳ văn bản pháp lý cụ thể nào. Thứ hai, chưa có quy định về đơn vị chuyên trách hỗ trợ, xử lý các vấn đề liên quan tới hoạt động Fintech. Ngoại trừ hoạt động trung gian thanh toán, cơ bản các hoạt động khác của Fintech chưa được quy định và điều chỉnh bởi các văn bản pháp lý hiện hành. Cuối cùng, ngay cả với lĩnh vực thanh toán, các quy định pháp lý hiện hành liên quan tới hoạt động nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng chưa cho phép việc áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại.

Nhiều mô hình Fintech đề xuất thử nghiệm sandbox còn mông lung 

Xây dựng Sandbox cho lĩnh vực Fintech là nhu cầu cấp thiết, đặc biệt trong ngắn hạn khi chưa thể ngay lập tức xây dựng được một khuôn khổ pháp lý tổng thể. Trên thế giới, cơ chế Sandbox vẫn còn nhận ý kiến trái chiều chưa có sự thống nhất giữa các quốc gia. Trong khi có quốc gia cho rằng việc yêu cầu fintech với đặc thù quy mô nhỏ, mới nghiên cứu ra các giải pháp thì việc đáp ứng được yêu cầu chặt chẽ của hoạt động ngân hàng là rất khó khăn. Nhiều quốc gia châu Âu lại đang quản lý rất chặt chẽ, đặt cao mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng.

Theo Đề án đang trình, 5 yêu cầu cần đáp ứng để được tham gia cơ chế này. Theo đó, đây cần là giải pháp Fintech sáng tạo lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam hoặc giải pháp Fintech được ứng dụng cho dịch vụ mới, có tính sáng tạo cao. Giải pháp được thiết kế quản lý rủi ro tốt, có phương án xử lý, khắc phục các rủi ro xảy ra trong quá trình thử nghiệm; cũng như đã được Công ty Fintech hoặc tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp đánh giá phù hợp và chính xác chức năng, công dụng và tính hữu ích. Nhiều mô hình Fintech đề xuất thử nghiệm sandbox còn khá mông lung, đại diện NHNN cũng cho biết thêm.

Ngoài ra, giải pháp đưa ra cần có tính khả thi và tính thương mại cao, có kế hoạch cung ứng ra thị trường cụ thể sau khi hoàn thành quá trình thử nghiệm; các giải pháp mà hoàn toàn chưa có hoặc một phần chưa có quy định pháp lý điều chỉnh.

Tại nhiều quốc gia, thời gian thử nghiệm khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, ông Đức cũng cho biết dựa trên kinh nghiệm của NHNN triển khai dịch vụ trung gian thanh toán, việc thí điểm tại Việt Nam cần khoảng thời gian dài hơi hơn để các công ty có khả năng triển khai. Theo đề án đang trình, thời gian thử nghiệm là 1 - 2 năm kể từ thời điểm được xét duyệt thử nghiệm.

Tin liên quan
Tin khác