Ngân hàng - Bảo hiểm
Nhiều ngân hàng báo lãi 2021 vượt chỉ tiêu
T.V - 07/01/2022 08:50
Các ngân hàng bắt đầu công bố kết quả kinh doanh năm 2021 và vượt kế hoạch đưa ra đầu năm, nhờ tín dụng tăng trưởng mạnh trong quý IV. Ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận 2022 tăng trưởng.

Lợi nhuận năm 2021 của Agribank đạt hơn 14.000 tỷ đồng, đồng thời ngân hàng đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định.

Tương tự, VietinBank vừa công bố lợi nhuận trước thuế năm 2021 vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao (16.800 tỷ đồng) và đặt mục tiêu tăng trưởng 10 - 20% trong năm 2022.

Mục tiêu lợi nhuận BIDV đưa ra cho năm 2021 là 13.000 tỷ đồng trước thuế và khả năng vượt con số này. Bởi lợi nhuận trước thuế hợp nhất 3 quý dầu năm qua của BIDV đạt 10.733 tỷ đồng, tăng trưởng 52% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 83% kế hoạch năm. Đồng thời, BIDV đã thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định.

Tính đến 29/12, tổng tài sản của BIDV đạt hơn 1,68 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với thời điểm đầu năm qua. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt hơn 1,58 triệu tỷ đồng, tăng 12%.

TPBank vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỷ đồng, vượt hơn 4% so với kế hoạch được ĐHCĐ đặt ra. Đến hết năm 2021,tổng tài sản TPBank đạt 295.000 tỷ đồng, tăng gần 42% so với đầu năm vượt trên 17% kế hoạch. 

Với kết quả hiện đã đạt được đến cuối tháng 10/2021, MSB cho biết, mục tiêu mới là cán mốc lợi nhuận trước thuế trên 5.000 tỷ cho cả năm 2021, vượt chỉ tiêu đưa ra trước đó.

Đến cuối tháng 10/2021, lãi trước thuế của MSB đạt hơn 4.600 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch cả năm. Tỷ suất sinh lời trên tài sản bình quân (ROAA) và chỉ số tài chính đo lường mức sinh lời (ROAE) của riêng ngân hàng lần lượt là 2,02% và 19,69%. Tỷ lệ biên lãi ròng NIM 12 tháng gần nhất đạt 3,79%, cao hơn mức 3,28% của năm 2020 và 2,46% vào năm 2019. 

Trên thực tế không chỉ các nhà băng trên mà có không ít ngân hàng sớm cán đích lợi nhuận chỉ sau 3 quý đầu năm nên dự báo vượt xa chỉ tiêu đưa ra cho cả năm 2021 như: BVB (Viet Capital Bank), SSB (SeABank) lần lượt đạt 385 tỷ đồng; 2.530 tỷ đồng trước thuế tính đến hết quý III/2021.

Mặc dù báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 nhiều nhà băng cho thấy, lợi nhuận quý III có sụt giảm, do tác động của làn sóng Covid-19 thứ 4, song lũy kế 9 tháng đầu năm lợi nhuận của hầu hết nhà băng đều tăng.

Còn với ngân hàng quy mô, lợi nhuận đạt mức “khủng” hơn gồm: VCB, BID, CTG, MB, TCB, VPB, ACB, HDB... đạt lần lượt 19.311 tỷ đồn trước thuế; 10.733 tỷ đồng; 13.911 tỷ đồng; 11.885 tỷ đồng; 17.098 tỷ đồng; 11.736 tỷ đồng; 8.968 tỷ đồng và 6.084 tỷ đồng.

Sở dĩ lợi nhuận 2021 của nhiều nhà băng vượt chỉ tiêu đưa ra trong bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ 4 tác động mạnh là tín dụng hồi phục và tăng trưởng mạnh trong quý cuối năm sau sụt giảm trong quý III/2021 do giãn cách xã hội. 

Số liệu Ngân hàng Nhà nước đưa ra, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng tính đến ngày 27/12 đạt 12,97% so cuối năm 2020. Nhưng chỉ riêng trong gần 1 tháng 12/2021, tăng trưởng tín dụng toàn ngành kinh tế tăng đến 2,8% so với tháng 11/2021 và tăng 4,27% so với tháng 10/2021...

Theo cuộc điều tra được NHNN tiến hành cho thấy, các ngân hàng nhận định lợi nhuận đã phục hồi và “cải thiện” rõ rệt trong quý IV/2021 so với quý trước, do đó đã nâng kỳ vọng về xu hướng cải thiện tích cực tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2021.

Có tới 78,8% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng trưởng dương so với năm 2020. Tuy vậy, vẫn có 15,2% TCTD ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2021 và 6% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Dự kiến cho năm 2022, 95% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 2% TCTD lo ngại lợi nhuận “giảm”.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý 1/2022 của các tổ chức tín dụng cho thấy, hầu hết các ngân hàng thương mại đều lạc quan với tình hình kinh doanh quý tới.

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 5,3% trong quý I/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức dự báo 14,3% tại kỳ điều tra trước.

Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 2,6% trong Quý I/2022 và tăng 12,1% trong năm 2022.

Tin liên quan
Tin khác