Ngân hàng - Bảo hiểm
Nhiều ngân hàng chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu, tăng vốn điều lệ
T.V - 14/07/2023 09:36
Nhiều ngân hàng lớn công bố ngày chốt danh sách cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu, với tỷ lệ tương đối cao để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính.

Một loạt ngân hàng tiếp tục tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Bởi vốn điều lệ cao sẽ là “bộ đệm” giúp cho ngân hàng có thêm nguồn lực để chống chọi với khó khăn, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Chằng hạn LPBank (mã cổ phiếu LPB) thông báo ngày chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 19% và phát hành ra công chúng 5.000 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu, nâng vốn điều lệ lên 25.576 tỷ đồng.

Cụ thể, LPBank chốt danh sách cổ đông vào ngày 23/8/2023 để phát hành hơn 328,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 19% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 19 cổ phiếu). Sau khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm 3.285 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến tăng thêm 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua và đã được Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Vốn điều lệ dự kiến của LPBank sau khi hoàn thành việc phát hành trên sẽ tăng từ 17.291 tỷ đồng lên 25.576 tỷ đồng. Việc tăng vốn điều lệ của LPBank nhằm mục tiêu nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của ngân hàng.

Trong khi đó,  Ngân hàng Nhà nước cũng đã cho phép Ngân hàng OCB (mã: OCB) phát hành gần 685 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương với tỷ lệ 50%. Đây là một trong những bước cuối cùng để ngân hàng này tiến hành trả thưởng cổ phiếu cho cổ đông. Sau phát hành, vốn điều lệ của OCB dự kiến tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.

Còn với MB (mã: MBB) cho biết, 17/7 là ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế để lại luỹ kế của năm 2022. Cụ thể, sẽ phát hành khoảng 680 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới).

Ngày giao dịch không hưởng quyền là 14/7/2023. Sau khi thực hiện xong đợt phát hành cổ phiếu này, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm 6.800 tỷ đồng.

HDBank (mã: HDB) cũng sẽ lập danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu vào ngày 20/7 với tỷ lệ chi trả 15%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/7. Theo phương án phát hành, mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận 15 cổ phiếu mới.

Nguồn vốn để phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2022 theo báo cáo tài chính được kiểm toán và trích lập đầy đủ các quỹ. Sau khi hoàn thành việc trả cổ tức, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng từ 25.303 tỷ đồng lên trên 29.076 tỷ đồng.

Ngày 25/7 tới SHB (mã: SHB) sẽ chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%. Theo đó, ngân hàng này dự kiến phát hành hơn 552 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành là 18%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 18 cổ phiếu mới.

Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng thêm hơn 5.520 tỷ đồng, lên mức 36.194 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Vietcombank (mã: VCB) thông báo 26/7 là ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020.

Theo đó, Vietcombank sẽ phát hành phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới). Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng.

Với mức vốn điều lệ sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức dự kiến là 55.891 tỷ đồng, Vietcombank sẽ vượt VietinBank và BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ hai hệ thống, chỉ sau VPBank.

VNDirect đánh giá, hệ số CAR tại các ngân hàng Việt Nam đã có những cải thiện tốt, tuy nhiên, “bộ đệm” vốn của các ngân hàng Việt còn tương đối thấp so tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, CAR trung bình của ngành Ngân hàng Việt hiện thấp hơn tương đối nhiều so ngân hàng trong khu vực (CAR bình quân của Indonesia là 22,6%; Philippines là 17,2%; Singapore là 17,1%; Thái Lan 19,6%; Malaysia 18,5%).

Vì thế, khối ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục đặt mục tiêu tỷ lệ CAR cao hơn nhờ sự chủ động trong quản lý vốn và tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn Basel III để xây dựng cơ sở vốn vững chắc, thúc đẩy tăng trưởng cho vay.

Trong số hơn 20 ngân hàng đã thực hiện Basel II, một số ngân hàng hoàn thành Basel III như LPBank, VPBank, ACB, TPBank... và tất cả đều từ khối ngân hàng cổ phần, chưa có ngân hàng thương mại Nhà nước.  

Còn theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, hệ số CAR của các ngân hàng Việt cải thiện chậm và ở mức thấp so khu vực là một trong những thách thức trong năm 2023.

Trong khi, các nước trong khu vực đã thực hiện áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III, các ngân hàng thương mại Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai Basel II. Vì thế, việc tăng vốn luôn được các ngân hàng quan tâm và đẩy mạnh.

Tin liên quan
Tin khác