Kế hoạch chuyển sang sàn Hose tới đâu?
Theo đó, ACB, VIB, SHB, LPB (LienVietPost Bank) có kế hoạch chuyển sàn đã được trình đại hội đồng (ĐHCĐ) thông qua trong kỳ họp thường niên giữa năm 2020.
Trong đó, ACB, SHB sẽ chuyển từ sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) sang sàn chứng khoán TP.HCM (Hose) khi kế hoạch M&A của 2 sở này hoàn tất thời gian tới.
Tuy nhiên, sự dịch chuyển của cổ phiếu SHB và ACB sang sàn Hose sẽ khiến HNS sắp sạch bóng doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô.
ACB, SHB là 2 doanh nghiệp duy nhất của sàn HNX có vốn hóa tỷ đô, bỏ khá xa các doanh nghiệp khác đang niêm yết trên sàn này.
Theo HĐQT ACB, Chính phủ đã phê duyệt đề án thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, dự kiến thị trường cổ phiếu sẽ chuyển về sàn Hose quản lý.
Sàn HNX sẽ quản lý thị trường trái phiếu và tạo dựng thị trường chứng khoán phái sinh. Do đó, việc ACB chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu từ HNX sang Hose chỉ là vấn đề thời gian.
ACB cho biết, sẽ chia thành 2 giai đoạn, cụ thể: chia cổ tức bằng cổ phiếu và chuyển sàn trong tháng 11 và tháng 12/2020. ACB đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho tăng vốn lên trên 21.000 tỷ đồng.
Ngân hàn này cũng đã có thông báo sẽ phát hành tối đa gần 499 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng với tổng giá trị theo mệnh giá là 4.988 tỷ đồng.
Theo đó, tỷ lệ phát hành là 30%. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền là ngày 21/08/2020.
Sau khi phát hành thành công, ACB sẽ tăng vốn từ 16.627 tỷ đồng lên mức gần 21.616 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chấp thuận cho ACB tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng.
Cùng với ACB, Ngân hàng SHB cũng có kế hoạch chuyển từ sàn HNX sang niêm yết sàn Hose cuối năm nay.
Cổ phiếu SHB được niêm yết và giao dịch tại HNX từ năm 2007. Mục đích của việc chuyển sàn được xem là bước đi chiến lược của SHB và chủ động nhằm thực hiện chủ trương của Thủ tướng về tái cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đồng thời, qua đó đẩy mạnh hình ảnh của SHB tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là các tổ chức kinh tế lớn có uy tín, nâng cao vị thế của SHB trên thị trường chứng khoán.
Đầu tháng 5/2020, được sự phê duyệt của NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, SHB đã phát hành thành công hơn 500 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 17.558 tỷ đồng.
Việc tăng vốn điều lệ này nằm trong kế hoạch phát triển của SHB và đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên SHB năm 2019.
Cổ tức SHB chưa chia năm 2019 được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông với tỷ lệ 11% sẽ được chia muộn nhất vào quý III/2020 theo đúng các quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ACB, SHB thì hiện Lienvietpost Bank và VIB cũng đang quá trình ký hoạch niêm yết trên sàn Hose, thay vì giao dịch trên UpCom hiện nay.
HoSE đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu LPB của LienVietPostBank vào cuối tháng 7/2020 vừa qua. Ngân hàng VIB cũng có kế hoạch sẽ chuyển niêm yết cổ phiếu từ UPCoM sang HSX vào tháng 11/2020 tới đây.
Nâng cao thanh khoản cổ phiếu
Kỳ vọng lớn nhất của các ngân hàng khi chuyển sàn là nhằm nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu, thu hút nhà đầu tư và nâng cao hình ảnh, thương hiệu...
Lienvietpost Bank đăng ký niêm yết tại Hose hơn 976,94 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ ter6n 9.769 tỷ đồng.
Hiện cổ phiếu LPB của Lienvietpost Bank đang giao dịch trên UpCom, giá kết thúc phiên sáng 26/8 ở mức 9.200 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ so với các phiên trước.
Năm nay, Lienvietpost Bank tăng vốn điều lệ lên 10.746 tỷ đồng (từ mức 9.769 tỷ đồng hiện nay). Đồng thời, LienVietPostBank sẽ nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại LienVietPostBank từ 5% lên mức tối đa 9,99%.
6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận của LienVietPostBank đạt 1.004 tỷ đồng, hoàn thành 59% kế hoạch cả năm nhưng giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2019.
Việc VIB niêm yết sàn Hose được xem là thông tin rất tích cực cho nhà đầu tư trong năm 2020 khi cổ phiếu VIB nhiều năm qua được đánh giá trong nhóm cổ phiếu ngân hàng được săn đón, nhưng nhiều tổ chức và các quỹ lớn chưa đưa được vào danh mục đầu tư do vẫn còn niêm yết trên sàn UpCom.
VIB sẽ chốt danh sách tham dự ĐHCĐ bất thường vào ngày 7/9/2020 tới. Còn ngày ngân hàng dự kiến tổ chức đại hội là 6/10/2020 tại TP.HCM để tăng thêm vốn.
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên 2020 tổ chức vào ngày 30/6, cổ đông VIB đã thống nhất thông qua kế hoạch tăng vốn từ 9.245 tỷ đồng lên 11.094 tỷ trong năm nay thông qua việc chi trả cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20%.
Nguồn để tăng vốn lấy từ quỹ đầu tư phát triển; quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận sau thuế chưa chia, tổng cộng 1.849 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm nay, VIB đã đạt lợi nhuận trước thuế 2.356 tỷ đồng, tương đương 52% kế hoạch cả năm và tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước bất chấp dịch bệnh xảy ra.
Hiện cổ phiếu VIB giao dịch quanh mức 22.000 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ so với tuần trước và tăng gấp rưỡi so với hồi tháng 4/2020.
Điều này cho thấy, thông tin chuyển sàn đã tác động tích cực lên giá cổ phiếu của nhà băng có kế hoạch chuyển sàn.
Thực tế, giá cổ phiếu ACB, VIB, SHB, LPB đã tăng mạnh, hút dòng tiền nhà đầu tư trong thời gian gần đây.
Giá cổ phiếu ACB đã biến động tăng từ khoảng 22.000 đồng đầu tháng 8 đến mức giá 28.000 đồng trong ngày 18/8, nhưng ACB vẫn có giao dịch chuyển quyền lớn ngay trước thềm chốt quyền trả cổ tức.
Cụ thể, trong phiên giao dịch sáng 18/8, cổ phiếu ACB bất ngờ có giao dịch thỏa thuận lượng lớn cổ phiếu. Tất cả các giao dịch này đều thực hiện ở mức giá 28.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu ACB hiện xoay quanh mức 21.000 đồng/cổ phiếu cuối phiên sáng 26/8.
Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2020 của ACB đạt 3.819 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2020, ACB lên kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế khoảng 7.636 tỷ đồng.
Cổ phiếu SHB cũng khởi sắc trong thời gian gần đây trước thông tin chuyển sang sàn Hose và đang giao dịch quanh mức 13.600 đồng/cổ phiếu.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận hợp nhất trước thuế SHB đạt 1.662 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kì năm trước và thực hiện được gần 51% kế hoạch.
Tính đến 30/6, tổng tài sản SHB đạt gần 391.410 tỉ đồng, tăng 7,2% so với cuối năm trước.