Ngân hàng
Nhiều ngân hàng điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài
T.V - 08/06/2021 16:49
Các ngân hàng đang có động thái điều chỉnh room dành cho nhà đầu tư nước ngoài, chờ thời cơ sau dịch, nhằm thu hút nguồn đầu tư, nâng cao năng lực tài chính.

Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán có hiệu lực từ đầu năm 2021 quy định, các công ty đại chúng có ngành nghề thuộc diện hạn chế nhà đầu tư nước ngoài được tự quyết tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room) thấp hơn mức trần quy định.

Room phải được đại hội đồng cổ đông thông qua và quy định tại điều lệ công ty. Còn với ngân hàng, room không được vượt quá tỷ lệ 30%, do đó, nhiều nhà băng khóa room dưới mức này nhằm tạo dư địa để huy động vốn ngoại.

Nếu không khóa room, nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng, khiến dư địa room cạn dần, qua đó ảnh hưởng đến kế hoạch huy động thêm vốn ngoại.

Thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) cho biết, Techcombank (Mã: TCB) cho biết sẽ thực hiện khoá "room" sở hữu của nhà đầu tư ngoại ở mức 22,4908%.

Cụ thể, trong ngày 7/6, Techcomban đã gửi thông tin khoá tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tới Trung tâm lưu ký chứng khoán và HOSE ở mức hơn 22,49%. Đây cũng là tỷ lệ sở hữu nước ngoài hiện tại của Techcombank. 

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo nâng giới hạn sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu MSB (HoSE: MSB) từ 29,937% lên tối đa 30%. Điều chỉnh này có hiệu lực từ ngày 27/5/2021.

Trước đó, vào cuối năm 2020, MSB cũng tạm thời giảm room từ 30% xuống 29,88%. Tương tự, VIB khóa room ở mức 20,5% vốn điều lệ...

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của OCB diễn ra cuối tháng 4/2021, Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng này đã trình các cổ đông thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 25%, tương đương mức chia năm trước.

Năm 2020, OCB đã thực hiện thành công tăng vốn thêm hơn 3.000 tỷ đồng bằng phát hành riêng lẻ cho đối tác ngoại Aozora Bank đến từ Nhật Bản và phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 25%.

Hiện tại, Aozora Bank đang là cổ đông chiến lược nắm 15% vốn chủ sở hữu của ngân hàng và có 2 thành viên tham gia HĐQT của OCB.

Trong khi đó, SHB đã giảm room xuống 10% nhằm tạo dư địa để thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (theo quy định, tỷ lệ sở hữu của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không quá 20% vốn điều lệ), dù tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Ngân hàng hiện chỉ khoảng 4%.

Vào cuối tháng 4/2021, VPBank chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa ở mức 15% để dọn đường cho cổ đông ngoại.

Trước đó, VPBank đã thông qua việc chuyển nhượng 49% vốn điều lệ FE Credit – công ty tài chính tiêu dùng của ngân hàng cho SMBC FC – Nhà đầu tư Nhật Bản, đồng thời chuyển nhượng 1 % vốn cho Chứng khoán Bản Việt (VCSC).

Hiện VPBank chỉ còn sở hữu 50% tại công ty tài chính này. Giá trị thương vụ đạt 1,4 tỷ USD, tức FE Credit định giá 2,8 tỷ USD. 

Mới đây nhất, Ngân hàng Bản Việt có thông báo thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa. Theo đó, ngân hàng đã giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 30% xuống còn 5%.

Trước đó, cuối năm ngoái, Ngân hàng này đã lấy ý kiến cổ đông thông qua việc Ủy quyền cho HĐQT quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong từng thời kỳ theo quy định của pháp luật hiện hành tùy vào tình hình biến động của thị trường.

Theo HĐQT Ngân hàng Bản Việt, việc duy trì room ngoại ở mức 30% là khá lớn so với quy mô giao dịch, tình hình cơ cấu cổ đông khi đó và định hướng của ngân hàng trong tương lai. Điều này có khả năng ảnh hưởng rất đáng kể đến biến động giá cổ phiếu trong thời gian tới.

Vì vậy, để ổn định giá cổ phiếu, từng bước nâng cao năng lực hoạt động và sức mạnh tài chính trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, từ đó bảo vệ quyền lợi của các cổ đông trong nước trước sự ảnh hưởng từ việc giao dịch cổ phiếu của khối ngoại.

HĐQT Ngân hàng Bản Việt cho rằng, việc phải có cơ chế giám sát đối với tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài một cách linh hoạt là cần thiết và mang tính tất yếu.

Với HDBank, cuối năm 2020, ngân hàng này đã điều chỉnh room từ 30% xuống 21,5% nhằm phục vụ kế hoạch hợp tác với các đối tác chiến lược nước ngoài trong thời gian tới.

Tương tự, trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã thực hiện điều chỉnh tỉ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài của cổ phiếu MBB từ 22,9908% lên 23,0224% cuối năm 2020. 

Trên thực tế, giới chuyên gia nhận định, việc “room” ngoại mở ra sẽ hút dòng tiền của khối ngoại, nhưng không phải ai trong số đó cũng có tầm nhìn dài hạn. Các nhà đầu tư ngắn hạn chỉ quan tâm đến việc kiếm lời từ các giao dịch mua bán.

Trong khi đó, các ngân hàng lại muốn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để tận dụng nguồn lực quản trị, nhân sự có kinh nghiệm, hệ thống công nghệ hiện đại... giúp họ phát triển.

Các phân tích cũng đưa ra đánh giá, ngân hàng là ngành đặc thù nên việc để nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát lượng lớn cổ phần sẽ gây bất lợi đến quá trình đồng hành của ngân hàng đối với việc thực thi chính sách tiền tệ, điều tiết vĩ mô của NHNN.

Vì vậy, các ngân hàng đang có động thái điều chỉnh room dành cho nhà đầu tư nước ngoài, chờ thời cơ sau dịch, hút thêm vốn, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.

Tin liên quan
Tin khác