Suốt 5 năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết liệt tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống ngân hàng đã tái cơ cấu tới 3 lần với hàng chục ngân hàng đã được xử lý trong vòng 16 năm qua.
Cụ thể, giai đoạn tái cơ cấu lần thứ nhất (1998 - 2003), có 1 ngân hàng bị rút phép, 9 ngân hàng sáp nhập và 4 ngân hàng chuyển từ nông thôn lên đô thị. Giai đoạn lần 2 (2005 - 2008), có 12 ngân hàng chuyển từ ngân hàng TMCP nông thôn thành ngân hàng TMCP đô thị. Giai đoạn vừa qua (2011 - 2015), toàn hệ thống có tới 9 ngân hàng hợp nhất, sáp nhập. Nhiều ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu lần 3 đã tái cơ cấu trước đó như SCB, Navibank, WesternBank, GPBank…
. |
Nhìn lại kết quả tái cơ cấu ngân hàng vừa qua, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh đánh giá, cái được lớn nhất là toàn hệ thống đã ổn định, nguy cơ đổ vỡ không còn. Thế nhưng, mục tiêu tái cơ cấu hoạt động và tổ chức quản trị chưa đạt được.
Soi vào báo cáo tài chính của các ngân hàng, có thể thấy, hiện vẫn còn rất nhiều ngân hàng bết bát về tài chính. Cụ thể, trong số 9 ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu bắt buộc đợt 1 (SCB, Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Habubank, TPBank, GP Bank, Navibank, TrustBank, Western Bank), đến nay chỉ có TPBank là lột xác thành công, các ngân hàng còn lại vẫn đang hết sức chật vật.
Cụ thể, TrustBasnk và GPBank đã bị NHNN mua lại với giá 0 đồng. Cùng với OceanBank, cả 3 ngân hàng 0 đồng này đang chiếm tới hơn 30% nợ xấu của toàn hệ thống - theo số liệu của ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Hiện tại, cả 3 ngân hàng 0 đồng này vẫn đang làm các cơ quan chức năng đau đầu xử lý, gây tốn kém cả về chi phí và nhân lực.
Rất nhiều trường hợp khác vẫn đang chật vật tái cơ cấu như DongABank, Eximbank…
Rõ ràng, nhìn một cách tổng thể, NHNN đã trải qua một giai đoạn tái cơ cấu khá thành công khi khắc phục được hầu hết tình trạng hỗn loạn trước đây. Kỷ cương, kỷ luật trên thị trường đã trở lại, thanh khoản toàn hệ thống được đảm bảo. Dù vậy, cũng phải thấy rằng, rất nhiều giải pháp tái cơ cấu ngân hàng thời gian qua mang tính tình thế và 3 ngân hàng 0 đồng là một ví dụ. Nếu không xử lý dứt điểm những yếu kém này thì sức khỏe toàn hệ thống sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Ngoài ra, theo thống kê của NHNN, toàn hệ thống hiện vẫn còn 12 ngân hàng có vốn điều lệ chỉ từ 3.000 đến hơn 4.000 tỷ đồng. Những ngân hàng quy mô nhỏ này nếu không tăng được vốn điều lệ sẽ rất khó tồn tại khi tham gia sân chơi hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn tới, vốn đòi hỏi rất lớn về năng lực tài chính, quản trị và công nghệ.
Một vấn đề nữa là thời gian qua, NHNN đã mạnh tay xóa bớt sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Thế nhưng, tình trạng các đại gia đứng sau thâu tóm một hoặc vài ngân hàng vẫn diễn ra trong khi NHNN đang tìm bằng chứng xử lý.
NHNN đang chuẩn bị trình Chính phủ Đề án Tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ và NHNN cần tiếp tục coi xử lý dứt điểm nợ xấu và ngân hàng yếu kém là mục tiêu số 1 của giai đoạn này, trước khi hướng tới mục tiêu cao hơn là tái cơ cấu quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế. Bởi nếu không xử lý được các vấn đề này, ung nhọt sẽ lại bung ra, kết quả tái cơ cấu thời gian qua sẽ đổ sông, đổ bể.